Chi tiết tin

Án đình chỉ, giải quyết hậu quả ra sao?

Ngày Đăng : 11/02/2017 - 7:30 AM

TTO - Bản án đã được thi hành, bỗng dưng có quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy án. Khi thụ lý sơ thẩm lại, tòa án các cấp đã đình chỉ giải quyết vụ án khiến đương sự bị mất quyền lợi.

Án đình chỉ, giải quyết hậu quả ra sao?

 

Đương sự đi khiếu kiện vượt cấp khắp nơi. Thế nhưng hiện nay pháp luật lại chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Năm 2000, bà Thân Thị Giang (66 tuổi, quê Bắc Giang) đang sinh sống ổn định trong căn nhà của mình thì bỗng dưng trở thành bị đơn của một vụ kiện đòi nhà. Nguyên đơn thắng kiện, bà Giang bị cưỡng chế thi hành án giao nhà cho người khác.

Đòi được quyền lợi, rút đơn khởi kiện

Sau khi bản án bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy, tòa sơ thẩm thụ lý lại vụ án thì nguyên đơn (là người chị dâu) không đến tòa nữa. Họ rút đơn khởi kiện, tòa đình chỉ giải quyết vụ án.

Bà Giang bỗng dưng mất nhà. Ban tiếp công dân trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tổ chức rất nhiều cuộc họp cùng UBND tỉnh Bắc Giang để xem xét trách nhiệm của từng cơ quan, đồng thời tìm hướng giải quyết.

Sau hơn 10 năm bà Giang đi kiện, chính quyền Bắc Giang mới sửa sai bằng cách cấp cho bà Giang một mảnh đất khác và xây nhà cấp 4 cho bà.

Câu chuyện của bà Giang chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người dân đi khiếu kiện để đòi khôi phục lại hiện trạng ban đầu của nhà đất đã bị thi hành án.

Có trường hợp bất động sản đã được sang tên qua 3-4 đời chủ thì bản án cách đó nhiều năm bỗng dưng bị hủy.

Khi tòa sơ thẩm thụ lý lại, nguyên đơn đã đòi được quyền lợi nên họ rút đơn khởi kiện. Bị đơn bỗng dưng mất tài sản mà không 
biết kêu cứu ở đâu.

Vợ chồng ông Thái Văn Ban và bà Trần Thị Tránh (ngụ xã Hướng Thọ Phú, thị xã Tân An, Long An) là bị đơn của vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Thi hành án dân sự đã cưỡng chế kê biên hai mảnh đất rộng 2.500m2 của ông Ban và bà Tránh để thi hành án. Đất đã bị mang ra bán đấu giá, tiền thu được đã thi hành án hết thì bất ngờ bản án bị TAND tối 
cao tuyên hủy.

Khi thụ lý sơ thẩm lại, TAND thị xã Tân An đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì nguyên đơn rút đơn khởi kiện. Từ đó, vợ chồng ông Ban đã đi kêu cứu rất nhiều nơi để đòi lại tài sản.

Phải giải quyết hậu quả

Lý giải về tình trạng nêu trên, trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND tối cao, nguyên chánh án Tòa án Quân sự trung ương) cho rằng hiện nay cấp giám đốc thẩm kháng nghị hủy án mà không cần quan tâm xem vụ án đã giải quyết tới đâu, phần thi hành án trước đó giải quyết ra sao.

Còn luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hiện nay pháp luật chưa quy định, chưa dự liệu hết những trường hợp như trên xảy ra trên thực tế.

“Người dân khiếu nại với lý do bỗng dưng bị mất nhà, mất đất, giờ đi khiếu kiện không cơ quan nào giải quyết. Cơ quan thi hành án cho rằng họ thi hành đúng theo bản án! Tòa án có lý do chính đáng để đình chỉ giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Trên thực tế không có cơ quan nào nhận trách nhiệm nên chỉ có người dân phải chịu thiệt hại. Vậy ở đây lỗi do ai, cơ quan nào có trách nhiệm khắc phục vấn đề này? Cần phải có quy định cụ thể” - luật sư 
Thạnh kiến nghị.

Câu chuyện pháp lý nêu trên cũng trở thành vấn đề khó cho các tòa án địa phương. Nhiều tòa án đã có công văn gửi về TAND tối cao xin ý kiến về các vụ án được xét xử lại sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì tòa án giải quyết như thế nào?

Lãnh đạo Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, TAND tối cao cho biết theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì khi xử sơ thẩm lại, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì việc đình chỉ phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp những người này không đồng ý thì tòa án không ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án mà phải tiếp tục xét xử.

Nếu bị đơn đã được tòa án triệu tập hợp lệ mà vẫn vắng mặt, cũng không có ý kiến gì khác thì được coi là đồng ý với việc rút đơn của nguyên đơn.

Đặc biệt khi tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án và các vấn đề khác 
có liên quan (nếu có).

Đối với trường hợp tài sản nhà, đất đã được thi hành án xong, sang tên đổi chủ cho nhiều người, nếu khi xét xử sơ thẩm lại, nếu kết quả phiên tòa trái ngược với kết quả sơ thẩm trước đó (tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi bị đơn trả lại đất) thì tòa án phải giải quyết vấn đề hậu quả của việc thi hành án.

Cụ thể, cần xem xét quyền lợi của các bên trên cơ sở giá trị quyền sử dụng đất đã được chuyển nhượng cho người thứ ba ngay tình theo giá thị trường.

“Đối với phần bản án, quyết định của tòa án bị hủy, sửa bởi một bản án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà việc thi hành án đã được thực hiện thì đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản.

Trường hợp tài sản là bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu (điều 135 Luật thi hành án dân sự).

Theo quy định này thì người đã được thi hành án sẽ bị cưỡng chế trả lại tài sản cho chủ sở hữu, nếu bản án đã bị cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy, sửa.

Đối với tài sản đã được thi hành án trước đây nay bị cấp giám đốc thẩm hủy, sửa hoặc tái thẩm hủy thì người bị thiệt hại có thể kiện người được lợi không có căn cứ pháp luật để yêu cầu hoàn trả lại nguyên trạng tài sản” - luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết.

Trích nguồn: plo.vn
TÂM LỤA



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết