Chi tiết tin

Án hành chính,dân sự:Xử sai, phải bồi thường thiệt hại?

Ngày Đăng : 21/11/2016 - 7:43 AM

 

(PL)- Theo Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (LTNBTCNN) 2009, Nhà nước bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng dân sự, tố tụng hành chính gây ra trong các trường hợp sau:

 

Tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, cơ quan, tổ chức; ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Thực tiễn sáu năm thi hành LTNBTCNN 2009 cho thấy phạm vi bồi thường trong tố tụng dân sự, hành chính quy định như trên là quá hẹp. Nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức bị thiệt hại phát sinh từ việc tòa xử sai. Trong các vụ này, bản án, quyết định xử sai đó đều bị tòa cấp trên hủy nhưng người bị thiệt hại không được bồi thường vì không cơ quan có thẩm quyền nào kết luận rằng có việc HĐXX ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ.

Án hành chính,dân sự:Xử sai, phải bồi thường thiệt hại? - ảnh 1

Vợ chồng ông Lê Hồng Sơn buồn bã đứng nhìn căn nhà của mình đã bị phát mại mà ông Sơn cho rằng do hậu quả của việc tòa sơ thẩm lần đầu xử sai. Ảnh: T.LỘC

Chẳng hạn, một số trường hợp mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh: Ông Lê Hồng Sơn (ngụ xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên) nộp đơn yêu cầu TAND tỉnh Phú Yên phải bồi thường vì từng xử sơ thẩm sai gây thiệt hại cho ông. Hoặc bà Trần Thu Cúc (ngụ phường 2, TP Cà Mau) cũng nộp đơn yêu cầu TAND tỉnh Cà Mau bồi thường với lý do tương tự. Trong hai vụ này đều có quyết định giám đốc thẩm chứng minh việc xét xử của tòa án cấp dưới là trái pháp luật. Tuy nhiên, ông Sơn và bà Cúc đều bị các tòa từ chối giải quyết yêu cầu đòi bồi thường bởi không thuộc các trường hợp được bồi thường theo LTNBTCNN 2009 và hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/2012.

Việc tòa án xử sai chỉ có trách nhiệm bồi thường khi người tiến hành tố tụng có lỗi cố ý không phù hợp với Hiến pháp 2013, với lẽ phải và sự công bằng, gây bức xúc cho người bị thiệt hại, là nguyên nhân gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài trong hoạt động tư pháp. Theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 và các bộ luật, luật mới về tố tụng dân sự, hành chính thì lỗi vô ý ra bản án trái pháp luật, vô ý làm sai lệch hồ sơ vụ án mà gây thiệt hại không phải là căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Để khắc phục hạn chế này, dự thảo LTNBTCNN (sửa đổi) đã sửa đổi quy định này theo hướng: Người tiến hành tố tụng dân sự, tố tụng hành chính ra bản án trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc thì Nhà nước phải bồi thường.

Đây là một quy định sửa đổi rất tiến bộ, đúng đắn. Tuy nhiên, có một vấn đề mà dự luật sửa đổi còn bỏ ngỏ, chưa quy định: Với những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại bởi bản án, quyết định dân sự, hành chính xử sai xảy ra trước ngày dự luật được thông qua nhưng họ vẫn liên tục khiếu nại đòi bồi thường thì có nên giải quyết bồi thường cho họ? Theo tôi, dự luật nên có quy định chuyển tiếp để giải quyết bồi thường cho những trường hợp này.

Luật sư HỒNG HÀPhó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Trích nguồn: plo.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết