Chi tiết tin

Báo động ủy quyền giả đổ về TP.HCM

Ngày Đăng : 19/10/2019 - 8:16 AM

 

(PL)- Rất đáng lưu ý là các vụ chiếm đoạt nhà từ việc lừa tráo sổ đỏ được báo Pháp Luật TP.HCM phát hiện gần đây đều có hợp đồng ủy quyền do các văn phòng công chứng ở tỉnh chứng nhận.

 

Trên hai số báo trước, chúng tôi có phản ảnh hai trường hợp bị lừa tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (nói gọn là sổ đỏ) và đã được hai văn phòng công chứng (VPCC) ở Long An chứng nhận hợp đồng ủy quyền (HĐUQ).

Điều đáng nói là ngoài sổ đỏ thật thì HĐUQ đó có đến hai sự giả mạo là giả người và giả các giấy tờ tùy thân. Từ HĐUQ đó (giờ mới rõ có yếu tố giả mạo), các VPCC ở TP.HCM đã công chứng hợp đồng mua bán, thế chấp… khiến chủ sở hữu nhà bị tráo sổ đỏ bị thiệt hại đủ bề.

Vụ việc tiếp theo đây cũng có HĐUQ do VPCC ở Long An chứng nhận nhưng chủ nhà này may mắn hơn nhiều so với các chủ nhà khác.

Xem tin cảnh báo mới phát hiện bị tráo sổ

Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, ngụ 493/32 Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, TP.HCM, cho biết: Nguồn gốc căn nhà bà đang ở là của cha mẹ để lại cho các chị em bà. Sau đó, các chị em bà thỏa thuận phân chia tài sản với nhau và căn nhà trên thuộc quyền sở hữu của một người chị của bà. Do người chị này đang ở nước ngoài nên bà là người sử dụng, quản lý căn nhà giúp chị.

Ngày 12-6, thực hiện yêu cầu của người chị, bà đăng thông tin trên mạng rao bán nhà. Trong quá trình rao bán có một số người đến hỏi mua.

Bà Tuyết kể: “Có một người mua làm tôi ấn tượng nhất tên Minh đề nghị tôi chụp lại tất cả giấy liên quan đến căn nhà, kể cả giấy tờ tùy thân của chị tôi. Vài ngày sau, bà Minh gọi báo đồng ý mua nhà và hẹn đến xem giấy tờ bản chính. Cùng lúc bà Minh đến xem nhà thì có một nhóm người cũng đến xem nhà và đòi xem bản chính. Tuy nhiên, tất cả người đến xem chỉ hứa hẹn chứ không mua. Đến ngày 3-7, con tôi tình cờ đọc báo thấy tin chiêu lừa tráo sổ đỏ. Giật mình, gia đình tôi mang giấy tờ ra xem thì phát hiện chúng khác với hình ảnh được chụp từ bản chính trước đây. Chẳng hạn, chữ ký của phó chủ tịch quận trong sổ đỏ bị khác. Tá hỏa, tôi đã chạy đến công an và UBND quận 10 trình báo sự việc”.

Cũng theo lời bà Tuyết, ngày 8-7, người chị từ nước ngoài về đã nộp đơn cớ mất sổ đỏ. Hai ngày sau đó, từ thông tin của người quen, bà biết VPCC Vũ Kiếm Quang (quận Bình Tân) có ký công chứng hợp đồng mua bán nhà thông qua HĐUQ được VPCC Hoàn Hảo (huyện Cần Đước, Long An) công chứng. Bà tức tốc đề nghị Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng TP.HCM ngăn chặn giao dịch nhà…

Hiện tại, gia đình bà đang chờ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 10 cấp sổ đỏ mới để thực hiện các giao dịch nhà, đất.

Báo động ủy quyền giả đổ về TP.HCM - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết không biết ai đang giữ sổ đỏ thật của căn nhà 493/32 Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Vì sao VPCC ở Long An chứng nhận cho người giả?

Theo thu thập của chúng tôi, căn nhà trên có HĐUQ do VPCC Hoàn Hảo ký ngày 8-7 thể hiện người chủ sở hữu nhà (chị bà Tuyết) ủy quyền cho bà Bùi Thị Lan được chuyển nhượng, tặng cho… nhà. Do người chị của bà Tuyết không hề đến Long An công chứng HĐUQ nhà cho bất kỳ ai nên chắc chắn đã có người mạo danh người chị và sử dụng giấy tờ tùy thân giả để làm HĐUQ đó.

Tại sao VPCC Hoàn Hảo công chứng HĐUQ có yếu tố giả mạo như thế?

Một đại diện VPCC Hoàn Hảo đã trao đổi với PV qua điện thoại: “Trong vụ việc này, cơ quan điều tra Công an quận 10 đã đến văn phòng thu thập thông tin. Những vấn đề chi tiết liên quan đến khách hàng chúng tôi không trao đổi qua điện thoại”.

Cũng theo người đại diện này thì sau khi công chứng HĐUQ vài ngày thì văn phòng đã phát hiện sự việc và gửi thông tin ngăn chặn đến TP.HCM. Nhờ vậy mà chưa có hậu quả pháp lý xảy ra.

Công chứng viên ở TP.HCM hú hồn!

 

Thông tin thêm về việc tiếp nhận hồ sơ mua bán căn nhà trên chỉ sau một ngày có HĐUQ, VPCC Vũ Kiếm Quang (phường 13, quận 10) cho biết: “Thấy hồ sơ có HĐUQ do VPCC ở Long An ký, lập tức chúng tôi xác minh ngay và sau khi được xác nhận là thật thì chúng tôi mới ký công chứng hợp đồng mua bán. Ngay hôm sau, hai bên mua bán đã quay lại ký hủy hợp đồng mua bán nhà đã ký”.

Công chứng viên (CCV) Vũ Kiếm Quang chia sẻ kinh nghiệm: “Ký hủy hợp đồng mua bán xong thì văn phòng chúng tôi mới biết HĐUQ do CCV của tỉnh Long An ký có vấn đề. Sau vụ này, VPCC chúng tôi sẽ từ chối ký hồ sơ mua bán nhà, đất có HĐUQ của tỉnh vì không xác minh được, không tra cứu được…”.

Có sự chủ quan...

• Bà Phan Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có xảy ra tình trạng cho vay lãi nặng làm hợp đồng giả cách. Nghĩa là khi hai bên có phát sinh việc vay mượn tiền thì người có nhà, đất ký với người cho vay HĐUQ về nhà, đất. Với HĐUQ này, khi chủ nhà không trả được nợ thì người cho vay được tự chuyển nhượng nhà, đất. Có thể khi công chứng các hồ sơ có sự giả người, giả giấy tờ, các CCV cũng nghĩ là hợp đồng giả cách nên có phần chủ quan.

Về nguyên tắc, khi ký hồ sơ công chứng, CCV có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ hồ sơ, kể cả kiểm tra người. CCV buộc phải có nghiệp vụ xác định người thật, giấy tờ thật. Nếu CCV ký sai thì CCV phải chịu trách nhiệm về hậu quả sau này".

• Liên quan đến căn nhà 132/1A Trường Chinh, phường Tân Thới Nhấtquận 12, TP.HCM của ông Triệu Hoài Phong mà số báo trước đã phản ảnh, VPCC Lư Thành Dự (huyện Đức Hòa, Long An), nơi đã công chứng HĐUQ cho người giả mạo ông Phong để rồi sau đó căn nhà được bán cho người khác… cũng cho biết một số lý do để công chứng HĐUQ.

Ông Lư Thành Dự, Trưởng VPCC này, nói: “Vụ việc phải chờ các cơ quan chức năng điều tra làm sáng tỏ. Đối với căn nhà trên, do một khách hàng quen thuộc dẫn khách đến công chứng nên chúng tôi chủ quan và nghĩ là thật nên làm. Cụ thể, về nghiệp vụ thì chúng tôi làm đúng quy định như khi ký thì kiểm tra có bản chính sổ đỏ, CMND cũng có bản chính, tiến hành đối chiếu gương mặt cũng giống, dấu vân tay cũng giống. Việc giả như vậy nhiều khi công an còn không nhận ra và phải có máy móc hỗ trợ. Văn phòng còn nhờ một VPCC ở TP.HCM kiểm tra sổ bản gốc và được xác định là thật”.

Đóng giả người chồng lãnh bảy năm tù

Có một vụ án liên quan đến việc tráo sổ đỏ vừa được TAND TP.HCM xét xử vào ngày 9-10. Theo đó, tòa tuyên phạt Lê Thị Mỹ Dung (người đứng ra tìm thuê người đóng giả chủ đất) 13 năm tù, Lê Văn Trợ (đóng giả người chồng) bảy năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tòa cũng buộc hai bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại cho người mua đất. Trường hợp hai bị cáo không có khả năng bồi thường thì VPCC đã ký HĐUQ phải bồi thường thay toàn bộ hoặc phần còn lại. Lý do được tòa nêu ra là VPCC này đã không xác minh tính thật, giả của giấy tờ tùy thân của hai người ủy quyền.

Năm 2016, bà Vương Thị Hiền đăng báo rao bán thửa đất ở quận 2, TP.HCM. Sau đó có người tên Minh hỏi mua và yêu cầu phôtô sổ đỏ, CMND, các giấy tờ liên quan và hẹn ngày đặt cọc. Hai ngày sau, Minh đi cùng hai người khác quay lại gặp bà Hiền để xem bản chính sổ đỏ và yêu cầu bản phôtô CMND của chồng bà. Lợi dụng lúc bà Hiền gọi điện thoại cho chồng thì nhóm người này tráo bản chính sổ đỏ thật rồi trả lại cho bà bản chính giả mà họ đã chuẩn bị.

Tiếp nữa, Minh đưa sổ đỏ cho bà Dung thuê người đóng giả vợ chồng bà Hiền đi công chứng ký ủy quyền cho người khác bán thửa đất trên tại một VPCC ở TP.HCM. Sau đó, họ lại hủy HĐUQ này để nhờ người khác đóng giả bà Hiền ký công chứng ủy quyền tại một VPCC khác. Từ HĐUQ này, người được ủy quyền bán thửa đất cho người khác và được một VPCC khác ký hợp đồng mua bán. Khi bên mua làm thủ tục đăng bộ thửa đất trên thì bà Hiền phát hiện sự việc và ngăn chặn.

Do người được ủy quyền bán đất bỏ trốn cùng với Minh và một số đối tượng không rõ lai lịch nên cơ quan điều tra tách ra xử lý sau.

KIM PHỤNG 

Theo: plo.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết