Chi tiết tin

Bất cập án tuyên công chứng viên bồi thường

Ngày Đăng : 18/11/2019 - 8:07 AM

 

(PL)- Mặc dù không chứng minh được lỗi của công chứng viên trong việc công chứng hợp đồng có yếu tố giả mạo nhưng nhiều tòa án vẫn xử buộc tổ chức hành nghề công chứng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

 

Ở phiên tòa mới nhất diễn ra ngày 12-11 tại TAND quận 6 (TP.HCM) xét xử tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và tranh chấp quyền sở hữu tài sản, Phòng Công chứng số 1 đã bị buộc bồi thường thiệt hại 2 tỉ đồng cho người đã mua nhà từ hợp đồng có yếu tố giả mạo.

Tòa không xác định được lỗi của CCV

Năm 2015, bà T. và bà C. thỏa thuận góp vốn mỗi người 50% để nhận chuyển nhượng thửa đất tại phường 11, quận 6. Hai người này thỏa thuận nhờ ông Lai Phú Cường (con bà C.) đứng tên giấy chứng nhận giúp và ông Cường cam kết không mua bán, thế chấp… cho ai. Bà T. giữ bản chính giấy chứng nhận và chỉ giao cho bà C. khi có khách hỏi mua đất.

Tháng 10-2015, bà C. nói có khách mua đất, nhờ ông Cường đến Phòng Công chứng số 2 để ký chuyển nhượng đất nhưng bị phòng này phát hiện giấy chứng nhận giả và lập biên bản tạm giữ giấy tờ.

 

Về phía bà T., khi tìm được người mua đất và hẹn đi công chứng thì bà mới phát hiện trước đó vào tháng 7-2015, ông Cường đã chuyển nhượng đất trên cho bà L. với giá 2 tỉ đồng. Hợp đồng này được Phòng Công chứng số 1 chứng nhận. Bà T. tố cáo đến cơ quan CSĐT và công an đã khởi tố vụ án hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Phòng Công chứng số 1.

Trong quá trình điều tra, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc cơ quan CSĐT (PC45) xác định người ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Phòng Công chứng số 1 không phải là Lai Phú Cường thật. Với giấy chủ quyền đất thật mà chưa rõ vì sao có được, người giả đã dùng CMND giả mang tên Lai Phú Cường để đi công chứng hợp đồng. Do chưa bắt giữ được người giả đó nên cơ quan CSĐT tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Năm 2017, bà L. khởi kiện Phòng Công chứng số 1 vụ án tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu ra TAND quận 1. Lúc này bà T. cũng khởi kiện ông Lai Phú Cường và bà L. để yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và công nhận quyền sử dụng đất là của riêng bà T. (vì bà C. không có góp vốn khi nhận chuyển nhượng đất). TAND quận 6 đã thụ lý giải quyết.

Năm 2018, TAND quận 1 chuyển vụ án đến TAND quận 6 để nhập vụ án. TAND quận 6 xử sơ thẩm vụ án tuyên buộc Phòng Công chứng số 1 liên đới bồi thường cho bà L. 2 tỉ đồng. Tòa này cũng tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa đối tượng đóng vai Lai Phú Cường và bà L. Tòa công nhận bà T. là chủ sử dụng thửa đất trên.

Trong vụ án này, công chứng viên (CCV) Phòng Công chứng số 1 cho rằng hồ sơ yêu cầu công chứng được tiếp nhận gồm có: Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu; bản sao giấy tờ tùy thân của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng (CMND của ông Lai Phú Cường và bà Nguyễn Hoàng Thanh Liên); bản sao giấy tờ liên quan đến tài sản chuyển nhượng (giấy chứng nhận), thông báo nộp lệ phí trước bạ nhà đất... CCV đã tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, đối chiếu giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng, nhận thấy là đầy đủ, phù hợp nên đã chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên. Phòng Công chứng số 1 cho rằng việc chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nên phòng này không đồng ý bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ việc CCV không phát hiện ra người đóng giả ông Lai Phú Cường là sự kiện bất khả kháng; CCV không có lỗi trong việc tiếp nhận, kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng và chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng nêu trên và không có lỗi gây thiệt hại. Ngoài ra, tại thời điểm chứng nhận, phòng này cũng không nhận được bất kỳ thông tin ngăn chặn việc chuyển dịch quyền sử dụng đất hay khiếu nại, tố cáo đối với tài sản này.

Bất cập án tuyên công chứng viên bồi thường - ảnh 1
Tại tọa đàm “Giấy tờ giả và trách nhiệm của công chứng viên” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 8-11, ông Mai Việt Cường - Trưởng văn phòng công chứng Mai Việt Cường đưa ra một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được làm giả tinh vi khó có thể phát hiện.  Ảnh: HOÀNG GIANG 

CCV hoặc phải liên đới bồi thường, hoặc phải bồi thường thay

Gần đây, TAND TP.HCM xử sơ thẩm phạt hai bị cáo Lê Thị Mỹ Dung 13 năm tù, Lê Văn Trợ bảy năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa cũng buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho người bị hại hơn 4,9 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tòa cũng tuyên nếu hai bị cáo trên không có khả năng bồi thường thì Văn phòng công chứng (VPCC) Phú Nhuận (nơi công chứng hợp đồng ủy quyền) có nghĩa vụ bồi thường thay.

Tòa phúc thẩm không buộc CCV phải bồi thường

Theo Bản án số 56 ngày 30-10-2012 của TAND huyện Cái Răng, TP Cần Thơ, một VPCC phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền 300 triệu đồng do công chứng hợp đồng không đúng chủ thể.

Bà L. kiện VPCC này ra TAND huyện Cái Răng để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho bà số tiền 300 triệu đồng. Lý do là bà L. cho rằng CCV của VPCC này đã không làm hết trách nhiệm để một trong ba người của bên chuyển nhượng tài sản là người giả khiến bà bị người thật tranh chấp khi bà làm thủ tục đăng ký sang tên. TAND huyện này đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và buộc VPCC bồi thường như trên. VPCC không đồng ý vì họ cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm của một CCV.

Tại phiên xử phúc thẩm sau đó, VKSND TP Cần Thơ cho rằng số tiền mà tòa buộc VPCC bồi thường cho nguyên đơn là do những người khác chiếm đoạt và tòa sơ thẩm buộc VPCC phải bồi thường là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm cũng đồng ý với quan điểm trên và bác yêu cầu khởi kiện của bà L.

KIM PHỤNG 

Câu chuyện này vào cuối năm 2016, bà H. đăng báo rao bán thửa đất ở quận 2, TP.HCM. Sau đó có người đến hỏi mua đất và đánh tráo sổ hồng giả đã chuẩn bị sẵn để lấy bản chính sổ hồng thật. Bị cáo Dung thuê người đóng giả bà H., còn bị cáo Trợ đóng giả chồng bà H. đến VPCC Phú Nhuận để công chứng hợp đồng ủy quyền cho người khác toàn quyền quyết định đối với thửa đất của vợ chồng bà H. Sau đó người được ủy quyền bán lại cho người khác với giá 7,5 tỉ đồng trong khi bà H. không hay biết gì. Từ đơn tố cáo của bà H., công an đã khởi tố Dung, Trợ và tòa án đã xét xử như trên.

Một vụ khác xảy ra tại VPCC Lý Thị Như Hòa. CCV không thể phát hiện việc giả người, giả giấy tờ công chứng và TAND TP.HCM đã xử buộc VPCC phải liên đới bồi thường cho người bị hại 1,2 tỉ đồng. Phần bị cáo Trần Văn Lắm là người đóng giả chủ đất ký bán đất chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng đã bị tòa tuyên 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Lắm là người đóng giả chủ đất ký công chứng chuyển nhượng đất tại VPCC Lý Thị Như Hòa. Lắm đã đưa bản chính sổ hồng và các giấy tờ nhân thân như CMND mang tên chủ đất (nhưng ảnh là của Lắm), giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, hộ khẩu… để CCV làm thủ tục công chứng.

Hiện tại ba bản án nêu trên đã bị các tổ chức hành nghề công chứng kháng cáo và đang chờ xét xử phúc thẩm. Các CCV đều cho rằng mình không có lỗi gây hậu quả dẫn đến phải bồi thường thiệt hại.

Bị phạt tù thì CCV không bị bồi thường

Trước đây, trong vụ án hình sự liên quan đến việc giả mạo giấy tờ, một CCV tại TP.HCM bị TAND TP phạt ba năm tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và CCV này không bị buộc phải bồi thường thiệt hại. Án tòa cho là CCV này đã chưa làm hết chức năng, trách nhiệm trong việc đối chiếu nhân thân, hình ảnh của chủ sở hữu tài sản (người trong hộ chiếu) với người giả mạo đến yêu cầu công chứng dẫn đến hậu quả là ngân hàng bị chiếm đoạt tiền.

Trong vụ án này, hai cán bộ ngân hàng cho vay tiền bị xử tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng do có hành vi trái quy định của ngân hàng như là không kiểm tra, đối chiếu tài liệu trong hồ sơ vay tín dụng với giấy tờ tùy thân CMND, ký hợp đồng tín dụng vay vốn ngoài trụ sở ngân hàng… Còn ba người có sự giả mạo để qua mặt CCV công chứng hợp đồng thế chấp ngoài việc bị xử án tù thì phải liên đới bồi thường gần 3 tỉ đồng cho ngân hàng.

Một vụ án hình sự khác cũng liên quan đến lỗi của CCV khi công chứng hợp đồng và CCV này đã bị TAND TP.HCM xử phúc thẩm phạt năm năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Lỗi ở đây là CCV do mối quen biết từ trước nên khi ký công chứng bỏ qua nguyên tắc cơ bản khi chứng thực như không kiểm tra nhân thân, không trực tiếp chứng kiến việc ký tên, lăn tay của các bên khi ký hợp đồng mua bán nhưng vẫn ký chứng thực hợp đồng mua bán nhà, đất, tạo điều kiện cho người khác sử dụng hợp đồng thế chấp ngân hàng chiếm đoạt trên 4 tỉ đồng. Người làm giả hồ sơ, chữ ký trong vụ này bị 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa cũng tuyên hủy tất cả hợp đồng mà CCV đã ký là vô hiệu, hủy tất cả giấy chứng nhận đã cấp từ các hợp đồng vô hiệu nói trên. 

Vi phạm điều cấm công chứng là hành vi trái pháp luật

Khoản 2 Điều 7 Luật Công chứng năm 2014 có quy định về những hành vi trái pháp luật. Trong đó nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi như giả mạo người yêu cầu công chứng, người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng…

Tại Điều 38 luật này cũng quy định về bồi thường trong hoạt động công chứng là tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên (CCV), nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. Những người gây thiệt hại nêu trên phải hoàn trả một khoản tiền cho TCHNCC đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp không hoàn trả thì họ có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

 

Xin được lưu ý với các tòa về một nguyên tắc luật định, đó là có lỗi mới phải bồi thường thiệt hại.

Thứ nhất, phải có lỗi trong quá trình thực hiện thủ tục công chứng.

Theo Điều 17 Luật Công chứng 2014, CCV có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình. Như vậy, việc chứng nhận của CCV không phù hợp với trình tự, thủ tục của pháp luật về công chứng (trong đó bao gồm cả tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp) thì mới được xem là có lỗi theo quy định.

Thứ hai, phải có thiệt hại của người yêu cầu công chứng. Để quy trách nhiệm bồi thường của TCHNCC thì phải có thiệt hại. Không có thiệt hại thì TCHNCC không phải bồi thường cho dù CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC có lỗi.

Điều đáng nói là nếu trường hợp chỉ bị mất hoặc bị tráo giấy chứng nhận mà vẫn chưa mất nhà thì chỉ cần khôi phục lại quyền sở hữu của chủ nhà.

Thứ ba, có quan hệ nhân quả giữa yếu tố lỗi và thiệt hại. Chỉ những thiệt hại do lỗi của CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của TCHNCC gây ra cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác thì mới có việc bồi thường, tức là phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và lỗi.

Ông HOÀNG MẠNH THẮNG, Trưởng phòng Công chứng số 7, TP.HCM

KIM PHỤNG ghi

3 lý do để CCV không bồi thường thiệt hại

1. CCV đã làm đúng thủ tục, quy trình theo quy định tại các điều 40, 41 Luật Công chứng 2014. Chi tiết là CCV đã kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ bản chính với bản phôtô do các bên xuất trình; kiểm tra xác định hành vi các bên khi giao kết, giải thích quyền và nghĩa vụ, hậu quả pháp lý khi ký kết hợp đồng; kiểm tra về tình trạng pháp lý tài sản giao dịch có bị ngăn chặn, hạn chế giao dịch hay không; yêu cầu các bên đọc lại hợp đồng và sau khi đồng ý toàn bộ nội dung hợp đồng thì hướng dẫn các bên ký tên, lăn tay trước mặt CCV…

2. Trong việc có người đóng giả đối tượng chủ nhà, đất (vợ hoặc chồng hoặc cả hai)… để ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất, ở khía cạnh nào đó thì CCV cũng chỉ là nạn nhân vì CCV không thể phán đoán được ngay giấy tờ này là giả, người này là giả. Cả cơ quan CSĐT cũng không thể khẳng định thật giả ngay mà phải trưng cầu giám định để Phòng Kỹ thuật hình sự thực hiện giám định dấu vân tay, chữ viết, chữ ký. Khi giám định thì cũng phải có mẫu cần giám định và mẫu so sánh, đồng thời sử dụng các phương tiện kỹ thuật, máy móc chuyên ngành kỹ thuật hình sự mới phát hiện, kết luận chính xác được.

3. Pháp luật không có quy định bắt buộc CCV phải có trách nhiệm phát hiện giấy tờ giả tinh vi. Người yêu cầu công chứng phải chịu trách nhiệm về các giấy tờ mà mình xuất trình.

Đại diện Phòng Công chứng số 1, TP.HCM

Bảo hiểm sẽ chi trả khi án tòa có hiệu lực

Một trong những quy định bắt buộc của Luật Công chứng năm 2014 là TCHNCC có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV hành nghề tại tổ chức mình. Tại khoản 1 Điều 37 của luật trên quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của TCHNCC.

Theo ông Hồ Hoàng Anh, chuyên viên kinh doanh Công ty Bảo hiểm PVI, khi ký hợp đồng tham gia hạn mức trách nhiệm nghề nghiệp CCV (hoặc văn phòng công chứng) thì người mua bảo hiểm cần có giấy phép đăng ký kinh doanh của văn phòng, bằng cấp, chứng chỉ của CCV...

Mức phí CCV phải đóng cho công ty bảo hiểm phụ thuộc vào hạn mức trách nhiệm, mức trách nhiệm càng lớn phí càng cao.

Sau khi CCV thanh toán phí bảo hiểm hoặc cam kết thanh toán phí bảo hiểm, nếu có khiếu kiện, rủi ro xảy ra, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường tới mức giới hạn trách nhiệm. Tổng giới hạn trách nhiệm không vượt quá giới hạn trách nhiệm được quy định trong hợp đồng bảo hiểm với CCV.

Số tiền bồi thường rủi ro sẽ được tiến hành chi trả ngay sau khi có bản án của tòa án hoặc quyết định của tổ trọng tài.

“Khi thấy có khả năng dẫn đến khiếu nại đòi bồi thường hoặc sau khi nhận được thông tin phát sinh khiếu kiện thuộc trách nhiệm của công ty bảo hiểm, CCV cần có một văn bản thông báo gửi công ty bảo hiểm càng sớm càng tốt.

Công ty bảo hiểm không chấp nhận các thông báo được gửi cho công ty sau ngày cuối cùng của thời hạn bảo hiểm nêu trong giấy chứng nhận bảo hiểm, trừ khi có thỏa thuận khác bằng văn bản” - ông Hoàng Anh cho biết thêm.

Công ty bảo hiểm không bồi thường cho CCV trong một số trường hợp như những hồ sơ, tài liệu có dấu hiệu tẩy xóa; những thiệt hại về người và tài sản do CCV thuê; những phát sinh không thuộc công việc của CCV; những phát sinh từ việc cung cấp dịch vụ vấn đề tài chính hoặc thuế… mà chỉ bồi thường cho CCV căn cứ theo bản án (hoặc quyết định) đã có hiệu lực của tòa án có thẩm quyền, kể cả các khoản chi phí và phí tổn trên cơ sở CCV là bị đơn trong bản án (quyết định đó).

Một trưởng phòng giám định bồi thường tài sản kỹ thuật Công ty Bảo hiểm Bảo Việt TP.HCM cho biết bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp CCV là sự ràng buộc, cam kết dựa trên pháp lý khi đây được coi là một nghề đặc thù trong xã hội.

Giấy tờ công chứng của một văn phòng chủ yếu về đất đai sẽ được tính là hồ sơ có độ rủi ro cao nên khách hàng phải chịu phí cao.

Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp CCV (bảo hiểm phi nhân thọ), khách hàng chỉ thực hiện một lần đóng phí cho phạm vi bảo hiểm. Những năm tiếp theo, khách hàng sẽ đóng phí tiếp nếu muốn tái tục.

Theo vị này, việc thực hiện ký hợp đồng với CCV không khó nhưng phức tạp khi đánh giá rủi ro, bởi khách hàng không cung cấp đầy đủ thông tin cho công ty bảo hiểm.

CÙ HIỀN 

 

KIM PHỤNG - NGUYỄN QUỲNH
Nguồn: plo.vn

 




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết