Chi tiết tin

Cá chết trên sông Bưởi: nhà máy xả thải bồi thường 1,4 tỉ đồng

Ngày Đăng : 13/05/2016 - 8:20 AM

TTO - Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đền bù cho các hộ thiệt hại với tổng số tiền lên đến hơn 1,4 tỉ đồng.

Cá chết trên sông Bưởi: nhà máy xả thải bồi thường 1,4 tỉ đồng
Người dân xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành nhận tiền đền bù - Ảnh: Hà Đồng

Bà Bùi Thị Mười - bí thư Huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa) - cho biết chiều 12-5, đại diện Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã về huyện Thạch Thành trao tiền đền bù cho người dân nuôi cá lồng bị thiệt hại.

Trong chiều và tối 12-5, đại diện công ty đã trao tiền đền bù cho 15 hộ nuôi cá lồng trên sông Bưởi ở xã Thành Vinh (Thạch Thành), bị thiệt hại nặng nề do nguồn nước sông Bưởi ô nhiễm nghiêm trọng. Mức đền bù thiệt hại cho người dân nuôi cá lồng là 80.000 đồng/kg.

Việc trao tiền đền bù cho người dân có sự giám sát của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở địa phương. Trong những ngày tới, công ty sẽ tiếp tục trả tiền đền bù cho các hộ thiệt hại ở xã còn lại với tổng số tiền lên đến hơn 1,4 tỉ đồng.

Cũng theo bà Bùi Thị Mười, UBND huyện Thạch Thành đã hỗ trợ 34 hộ dân nuôi cá lồng trên sông Bưởi bị thiệt hại nặng với mức 2 triệu đồng và 20 kg gạo/hộ.

Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi là do xả thải của Nhà máy Mía đường Hòa Bình nằm ở Cụm công nghiệp Lạc Sơn, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình (thượng nguồn sông Bưởi).

Cụ thể trong thời gian từ ngày 15-3 đến 25-4, nhà máy này đã xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Bưởi với lưu lượng 250 - 300 m3/ngày đêm.

Từ đó làm nguồn nước sông Bưởi chảy dọc các xã của huyện Thạch Thành bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ra tình trạng cá chết hàng loạt, đặc biệt là các hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại nặng nề.

Đình chỉ hoạt động hai công ty xả thải trực tiếp ra sông Bưởi

Ngày 12-5, đoàn thanh tra liên ngành do Bộ TN-MT chủ trì, UBND tỉnh và Cảnh sát môi trường hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa đã thanh tra toàn diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thải xả ra sông Bưởi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Bộ TN-MT), cho biết có 3 nguồn thải chính trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xả ra sông Bưởi.

Theo ông Hanh, Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình báo cáo bình quân xả thải mỗi ngày đêm khoảng 300 - 400m3. Tuy nhiên, đoàn thanh tra đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ và công ty này thừa nhận xả khoảng 1.900m3 nước thải/ngày đêm ra môi trường.

Hiện Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình đang trong giai đoạn chạy vận hành thử. Tuy nhiên, công ty chưa có hệ thống xử lý nước thải nên toàn bộ nước thải được xả trực tiếp ra môi trường.

“Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình đã nhận trách nhiệm, cam kết đền bù cho người dân có cá chết hơn 1,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là vi phạm nghiêm trọng nên đoàn thanh tra đã yêu cầu đình chỉ toàn bộ hoạt động đối với công ty này”, ông Hanh cho hay.

Tại nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty TNHH MTV Tân Hữu Hưng, đoàn thanh tra liên ngành phát hiện nhà máy có đường ống xả ngầm đường kính 16cm có thể xả thải trực tiếp ra môi trường. Đoàn thanh tra liên ngành đã yêu cầu nhà máy hàn xì bịt toàn bộ đường ống ngầm này.

Theo ông Hanh, năm 2014, công ty này đã bị Bộ TN-MT phạt 360 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng. Khi đến mùa vụ sắn, công ty này đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, vì vậy, tỉnh Hòa Bình cho phép công ty vận hành thử 90 ngày.

“Nhà máy này đã vận hành thử khoảng 60 ngày. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu, lượng nước thải xả ra môi trường khoảng 1.500m3/ngày đêm. Đây là vi phạm nghiêm trọng. Đoàn đã yêu cầu đình chỉ hoạt động nhà máy này”, ông Hanh cho biết.

Cũng theo ông Hanh, một trại chăn nuôi lợn có nguồn thải khoảng 100m3 ngày cũng xả trực tiếp ra sông Bưởi.

Trả lời Tuổi Trẻ về quan điểm xử lý đối với hai công ty trên, ông Hanh cho biết: “Đoàn đã yêu cầu đình chỉ toàn bộ hoạt động.

Về mặt hành chính đã xác định hành vi vi phạm không xây lắp hệ thống bảo vệ môi trường, xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn xả ra ngoài môi trường. Còn xả ở nồng bộ bao nhiêu, vượt tiêu chuẩn bao nhiêu lần thì còn phải chờ kết quả phân tích.

Hiện tại, cả hai công ty đều cam kết sẽ khắc phục các vi phạm của hệ thống xử lý nước thải.

Tới đây, sau khi có kết quả phân tích sẽ áp dụng các biện pháp phạt bổ sung. Đồng thời yêu cầu các công ty này đầu tư xây lắp hệ thống bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải theo đúng thiết kế được thẩm định. Đánh giá đảm bảo mới cho hoạt động trở lại”, ông Hanh khẳng định.

Ngư dân vùng cá chết còn khó khăn kéo dài

Đó là nhận định của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp với một số tổ chức thành viên ngày 12-5 nhằm hỗ trợ kịp thời nhân dân vùng hạn hán, xâm nhập mặn, cá chết bất thường.

“Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết hiện 12.000 tàu không đánh cá. Vậy đối tượng cần hỗ trợ trực tiếp là 12.000 tàu này với 30.000 lao động, nếu mỗi lao động nuôi hai người kèm theo thì có 60.000 người bị ảnh hưởng cần hỗ trợ” - ông Nhân nói.

Trước tình hình trên, Ủy ban Trung ương MTTQ VN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành phối hợp với các địa phương có phương án, biện pháp khắc phục lâu dài tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.

Đặc biệt, sớm làm rõ nguyên nhân gây nên tình hình cá biển chết hàng loạt vừa qua, sớm có biện pháp kiên quyết xử lý ô nhiễm môi trường...

LÊ KIÊN

Trích nguồn: tuoitre.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết