Chi tiết tin

Cần có cơ quan chuyên trách soạn thảo luật

Ngày Đăng : 04/07/2016 - 7:48 AM
(PL)- Theo bà Ngô Minh Hồng-nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nguyên ĐBQH khóa XII, sự kiện BLHS 2015 phải dừng hiệu lực do phát hiện hơn 90 lỗi là điều đáng tiếc.

Nhưng cần nói thêm, nhìn tổng thể, đây là một bộ luật có nhiều điểm tiến bộ. Đa phần sai sót là về kỹ thuật văn bản, mâu thuẫn, trùng lắp trong một điều luật, không tạo được sự logic trong tổng thể chứ không sai sót về chủ trương, chính sách hình sự tiến bộ.

Một điều đáng mừng là QH đã ra nghị quyết cho áp dụng những quy định có lợi đối với người phạm tội. “Tôi nghĩ việc tạm dừng cả bộ luật (ngoài những quy định có lợi cho người phạm tội - PV) là hợp lý vì cần có thời gian rà soát xem còn có sai sót nào nữa không. Nếu chỉ dừng hiệu lực của những điều luật có sai sót thì việc áp dụng các điều luật khác cũng không áp dụng được vì ít nhiều chúng có thể liên quan đến nhau” - bà Hồng phân tích.

Cũng theo bà Hồng, chưa cần thay đổi ngay quy trình lập pháp hiện nay bởi thực tế, nhưng để chất lượng xây dựng pháp luật tốt hơn thì cần tập trung hai vấn đề.

Thứ nhất là tăng cường các ĐB chuyên trách trong QH, cả về số lượng lẫn chất lượng. Họ là những người am hiểu pháp luật, có chuyên môn sâu về một lĩnh vực pháp luật chuyên biệt mà các ĐB khác không vững. Hiện nay lực lượng này do phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên chưa đủ mạnh để rà soát tất cả văn bản pháp luật, đó cũng là điều cần bổ sung.

Thứ hai, pháp luật cho phép cá nhân ĐBQH có quyền tự trình dự án luật nhưng thực tế chúng ta rất ít khi làm được việc này, hầu hết chỉ dừng lại ở việc các ĐB đưa ra ý tưởng về việc xây dựng một luật nào đó. Như vậy cần tăng cường chất lượng bộ máy giúp việc cho QH để có những văn bản luật tốt hơn. Đặc biệt Văn phòng QH là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc rà soát cũng như kiểm tra trước khi một dự án luật được QH thông qua. Các bộ phận trong Văn phòng QH đều là những chuyên viên có trình độ pháp lý tốt, được đào tạo bài bản nên có thể yên tâm để hậu kiểm các dự án như là sản phẩm cuối cùng trình QH biểu quyết.

Bà Hồng tiếp: “Về lâu dài, tôi ủng hộ đề xuất của một số chuyên gia cho rằng cần có hẳn một cơ quan chuyên trách soạn thảo dự án luật thuộc QH. Khi họ làm hoàn chỉnh rồi thì mới trình QH thông qua, đồng thời QH cũng ban hành văn bản giải thích chính thức, không cần phải hướng dẫn gì thêm”.

THANH TÙNG

Tuy có nhiều sai sót về kỹ thuật lập pháp nhưng một số tội trong BLHS 2015 quy định cấu thành tội, quy định khung hình phạt nhẹ hơn BLHS hiện hành, có lợi cho người phạm tội. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận NGUYỄN TOÀN THIỆN:

Phải xem lại khâu lấy ý kiến và tiếp thu góp ý

Tôi muốn nhấn mạnh đến khâu lấy ý kiến góp ý cho dự thảo luật và việc tiếp thu các ý kiến đó của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật. Không riêng gì ở tỉnh Bình Thuận, các buổi góp ý do đoàn ĐBQH tỉnh, thành khác đều có tình trạng chung là ĐB hay được người điều hành lưu ý những vấn đề trọng tâm (có khi gửi kèm theo tài liệu từ trước). Đó thường là những quy định chỉnh sửa, mới đưa vào bộ luật hoặc những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. “Tôi từng tham dự nhiều nên biết họ không nói với người dự rằng chỉ được góp ý nhiêu đó nhưng chính việc định hướng như thế này khiến ai cũng tập trung vào trọng tâm đó. Cộng với tâm lý chung của những người tham dự là tin vào ban soạn thảo và “nói cho xong phần mình” khiến chất lượng buổi góp ý rất hạn chế, bị trùng lặp với địa phương khác” - luật sư Thiện nhấn mạnh.

Ngoài ra thành phần được mời góp ý cũng còn sơ sài, đơn điệu. Ngoài những chuyên gia pháp luật, người áp dụng luật cần có những người có kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực mà luật đó điều chỉnh để họ kiến giải những vấn đề khó, phức tạp.

Góp ý đã vậy, đến khâu tổng hợp, ghi nhận còn quan trọng hơn nhưng rất tiếc là chúng ta làm chưa khoa học, chưa có trách nhiệm, nếu không muốn nói là làm cho có lệ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH khóa 13 Nguyễn Văn Phúc trả lời phỏng vấn trên một tờ báo điện tử phải thốt lên rằng ngay cả việc ghi biên bản trong khi các ĐBQH chia tổ để cho ý kiến về các dự án luật cũng có vấn đề. Theo ông Phúc, khi xem lại biên bản tổng hợp ý kiến thì thấy “rơi rụng nhiều lắm, thậm chí có những ý kiến phát biểu của Chủ tịch QH và của tôi cũng không thấy đâu”.

Tôi nghĩ góp ý cho dự thảo luật chính là công đoạn ghi nhận được nhiều ý kiến và phát hiện được nhiều lỗi nhất, nhất là về kỹ thuật lập pháp. Vì thế rất cần phải chấn chỉnh lại khâu này cho phù hợp và chất lượng.

SONG NHUYỄN ghi

Trích nguồn: plo.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết