Chi tiết tin

Cần đổi mới quy trình lập pháp

Ngày Đăng : 30/06/2016 - 7:34 AM
(PL)- Nên chăng có ủy ban soạn thảo dự luật thuộc Quốc hội, khi cần ban hành đạo luật nào đó, ủy ban này “đặt hàng” cho các chuyên gia pháp luật tham gia soạn thảo.

Cả nước đang xôn xao về BLHS 2015 sắp có hiệu lực thi hành nhưng có đến 95 lỗi sai sót. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cũng đã gửi phiếu biểu quyết đến các đại biểu QH (khóa XIII) để hoãn thi hành đạo luật này. Việc hoãn thi hành BLHS 2015 sẽ kéo theo phải hoãn BLTTHS 2015, Luật Tổ chức CQĐT hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Gấp rút sửa sai

Đây cũng là lần thứ hai QH khóa XIII phải tiến hành sửa đổi một đạo luật khi nó còn chưa có hiệu lực thi hành. Lần thứ nhất là sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, còn lần này thì có quá nhiều điều khoản nếu không sửa thì không thể thi hành.

Sai thì sửa, điều đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng làm luật mà để sai tới 95 lỗi thì không còn bình thường nữa. Uy tín của QH sẽ bị giảm và sự lãng phí tiền bạc của nhân dân cũng không ít (nhiều nhà xuất bản phải tuyên bố thu hồi hàng vạn ấn phẩm BLHS 2015 đã phát hành).

Quy trách nhiệm, xử lý những người đã để xảy ra sai sót là việc phải làm. Vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan có trách nhiệm cần phải gấp rút tìm cách sửa đổi, bổ sung BLHS cũng như các luật khác liên quan. Còn về lâu dài thì QH nên sửa đổi cách làm luật thì mới có các đạo luật hay được.

Cách làm luật hiện tại chưa hay

Nhìn lại quá trình lập pháp ở nước ta thì việc xây dựng pháp luật đã từng bước đổi mới, từ khâu soạn thảo đến khi đưa ra QH thông qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đạo luật QH vừa thông qua đã thấy không phù hợp hoặc chồng chéo với các đạo luật khác. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa là do cách xây dựng pháp luật (làm luật) ở nước ta chưa hay. Khi cần ban hành một đạo luật thì việc đầu tiên là chọn cơ quan nào chủ trì soạn thảo. Nếu luật đó liên quan đến tiền tệ thì giao cho Ngân hàng Nhà nước; liên quan đến lao động, bảo hiểm, chính sách xã hội thì giao cho Bộ LĐ-TB&XH; liên quan đến môi trường thì giao cho Bộ TN&MT… (các bộ, ban ngành khác có liên quan thì phối hợp). Sau khi dự thảo đã “hòm hòm” thì trình cho một ủy ban chuyên trách của QH thẩm định rồi trình Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến; nếu thấy được thì đưa ra QH thảo luận thông qua.

Theo BLHS 2015, nhiều trường hợp người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.  Ảnh minh họa: THANH TÙNG

Đã có nhiều ý kiến đề nghị phải thay đổi quy trình xây dựng pháp luật nhưng thay đổi thế nào lại là điều không dễ. Ai cũng biết là nếu để cơ quan chủ quản soạn thảo, cơ quan đó sẽ gắn “cái tôi” trong đó, nhất là đối với các đạo luật có liên quan đến quyền và lợi ích của bộ, ngành đó. Thế mới có những đạo luật do thời gian cấp bách, chưa chuẩn bị kỹ nhưng ban soạn thảo vẫn đề nghị QH cứ thông qua rồi giao cho Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn sau. Hệ quả là luật ban hành vẫn phải chờ hướng dẫn mà hướng dẫn thì lâu lắc. Đó là chưa nói đến việc làm trái pháp luật là giao luật của QH cho cơ quan hành pháp giải thích.

Cần đổi mới quy trình lập pháp

Ở nhiều nước, họ có hẳn một ủy ban soạn thảo dự án luật. Để ban hành một đạo luật, người ta tiến hành theo một quy trình cơ bản như sau: Mỗi khi có yêu cầu ban hành một đạo luật nào đó, ủy ban này “đặt hàng” cho các chuyên gia pháp luật, có thể đặt hàng cho nhiều chuyên gia, mỗi chuyên gia chỉ soạn thảo một chương hoặc một số điều. Một đạo luật được ví như là một đề tài (công trình) khoa học cấp quốc gia mà ủy ban dự thảo dự án luật là hội đồng nghiệm thu đề tài.

Các chuyên gia được mời soạn thảo dự án luật phải trả lời được câu hỏi đối với từng vấn đề mà chuyên gia đó nêu trong từng điều khoản của dự án luật. Chẳng hạn như vì sao quy định như vậy, quy định như vậy thì được hiểu như thế nào, nếu được thông qua thì những quy định nào cần giải thích chính thức...

Nếu dự thảo luật của chuyên gia được nghiệm thu, nội dung các câu trả lời vừa nêu sẽ được coi là văn bản “giải thích chính thức” sau khi dự án luật được ban hành. Khi ủy ban soạn thảo dự án luật có một đạo luật (dự thảo) hoàn chỉnh thì mới trình QH thông qua. Khi một đạo luật được thông qua thì đồng thời QH cũng ban hành văn bản giải thích chính thức, không cần phải hướng dẫn gì thêm, nhờ vậy luật dễ dàng đi vào cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu lập pháp ở nước ta đã đi nhiều nơi, đến nhiều nước để học hỏi, nghiên cứu, tham khảo cách làm luật để áp dụng vào nước mình. Tuy nhiên, cử tri và người dân vẫn chưa thấy quy trình ban hành luật của ta được đổi mới; tính chuyên nghiệp chưa cao. Đã đến lúc không phải đặt vấn đề mà là cần thực hiện ngay việc thay đổi cách làm luật để không còn tình trạng luật nằm trong két sắt, luật nọ chọi luật kia hay để xảy ra sai sót như BLHS 2015.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Trích nguồn: plo.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết