Chi tiết tin

Cần thiết ban hành cơ chế thí điểm để phát triển TP.HCM

Ngày Đăng : 04/11/2017 - 7:23 AM

 

(PL)- TP.HCM là đầu tàu kinh tế, cần có cơ chế thí điểm, ngay cả vấn đề phân quyền, phân cấp và thẩm quyền hành chính của TP…

Chiều tối 3-11, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức cuộc họp báo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Nhiều vấn đề nóng được báo chí đặt ra tại cuộc họp báo và tiếp tục được làm rõ thêm sau khi buổi họp báo kết thúc. Pháp Luật TP.HCM xin lược ghi.

Đề xuất cho TP.HCM thí điểm bốn vấn đề

Pháp Luật TP.HCM: Trong chương trình họp Chính phủ kỳ này có thảo luận dự thảo nghị quyết về chính sách thí điểm cho TP.HCM. Như vậy có kịp trình Quốc hội (QH) thảo luận tại kỳ họp này không? Những nét chính về cơ chế, chính sách của dự thảo này như thế nào?

+ Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Hôm nay (3-11, PV) Chính phủ dành thời gian thảo luận về cơ chế, chính sách thí điểm để phát triển TP.HCM trên cơ sở TP.HCM đã làm việc với các bộ. Chính phủ sẽ tham mưu cho Bộ Chính trị, trình QH dự thảo nghị quyết, dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 4 này.

Việc ban hành nghị quyết này rất cần thiết vì TP.HCM có vị trí đặc biệt cực kỳ quan trọng, là đầu tàu kinh tế, đóng góp 27%-28% GDP cả nước, đóng góp cho ngân sách chung của cả nước 25%-26%.

Chúng ta cần có cơ chế thí điểm cho TP về bốn vấn đề: Quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai; cơ chế quản lý về đầu tư; cơ chế quản lý về tài chính của ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền, về thu nhập cán bộ, công nhân viên chức thuộc quyền quản lý của TP.

Đặt vấn đề thí điểm vì đó là những nội dung đã có luật, pháp lệnh hay các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định nhưng thực tiễn có thể chưa phù hợp thì chúng ta thống nhất với nhau có cơ chế thí điểm đột phá, đổi mới, hiệu quả. Hướng thứ hai là trong thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội rất cần nhưng chúng ta chưa có quy định để điều chỉnh nên cần thí điểm.

Trên cơ sở như vậy, Chính phủ đã có thảo luận, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, cần có cơ chế thí điểm, ngay cả vấn đề phân quyền, phân cấp và thẩm quyền hành chính của TP. Những nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, của các bộ trưởng các bộ thì hôm nay Chính phủ cũng bàn rất rõ. Với phương châm tạo điều kiện cho TP chủ động giải quyết các vấn đề của TP thay vì phải báo cáo các bộ, báo cáo Thủ tướng. Điều này nhằm tạo điều kiện cho TP phát triển nhanh, linh hoạt.

“Theo nghị trình, ngày 3-11, QH sẽ nghe báo cáo về nội dung này. Tuy nhiên, do Chính phủ chưa kịp cho ý kiến nên chương trình phải lùi lại. Hôm nay (3-11, PV) Chính phủ đã họp và chắc chắn sẽ kịp trình QH trong kỳ họp này” - ông Dũng cho biết thêm khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM khi kết thúc họp báo.

Cần thiết ban hành cơ chế thí điểm để phát triển TP.HCM - ảnh 1
Quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai; cơ chế quản lý về đầu tư; cơ chế quản lý về tài chính của ngân sách nhà nước… là các vấn đề cần có cơ chế thí điểm cho sự phát triển TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phân cấp mạnh cho chính quyền cấp dưới

. VietNamNet: Mới đây, đoàn giám sát của QH đề nghị hợp nhất một số bộ có nhiệm vụ, chức năng tương đồng. Nghị quyết Trung ương 6 cũng đã có chủ trương sắp xếp lại một số ngành có nhiệm vụ, chức năng tương đồng. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về vấn đề này thế nào và những bộ, ngành nào có nhiệm vụ, chức năng tương đồng?

+ Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường: Bên lề kỳ họp QH, bộ trưởng của chúng tôi đã nói cụ thể rồi. Tôi xin nói ngắn gọn: Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (ban hành ngày 25-10) đã nêu rõ việc thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ, có nhắc đến các ngành: giao thông, tài chính, kế hoạch và đầu tư, tôn giáo, dân tộc...

Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao trong thời gian tới xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết trung ương này. Bộ Nội vụ cũng căn cứ nghị quyết có những nội dung làm ngay, có những nội dung cần nghiên cứu định hướng làm thí điểm, có nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII để triển khai trong thời gian tới.

Liên quan vấn đề này, trả lời báo chí sau họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Về nguyên tắc sẽ rà soát lại và thực hiện theo nghị quyết. Đó là vấn đề tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và tinh giảm đầu mối theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, vì hiện nay có rất nhiều việc chúng ta chồng chéo”.

Ông cũng cho biết việc thực hiện sẽ theo hướng phân cấp mạnh cho chính quyền cấp dưới. Những gì chồng chéo thì trên tinh thần Nghị quyết 18 sẽ giao cho các cơ quan nghiên cứu để xử lý với tinh thần rút gọn các tổ chức bộ máy và biên chế để giảm ngân sách nhà nước.

Riêng việc hợp nhất một số bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, Chủ nhiệm VPCP cho biết Chính phủ chưa bàn vì liên quan đến lộ trình. “Thủ tướng đã giao cho các bộ tham mưu để xây dựng chương trình hành động cụ thể. Đầu tháng 12 phải ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 18, 19 và 20” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Sao không truy nguồn gốc tài sản ông Phạm Sỹ Quý?

Về kết quả xử lý sau thanh tra đối với ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết:Chúng tôi ghi nhận bước đầu UBND tỉnh Yên Bái đã khẩn trương tổ chức thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Về tiến độ đối với xử lý này, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng, UBND tỉnh Yên Bái phải báo cáo kết quả thực hiện trước 30-11-2017. Trên cơ sở báo cáo của Yên Bái, chúng tôi sẽ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện đó.

Trao đổi với báo chí khi kết thúc họp báo, trả lời băn khoăn vì sao chưa truy nguồn gốc tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, ông Lam cho hay trước năm 2013 pháp luật quy định chỉ kê khai trung thực, đúng với tài sản của mình. Từ năm 2013 trở lại đây, pháp luật mới quy định người có trách nhiệm kê khai phải giải trình sự tăng giảm tài sản, thu nhập đó.

“Nếu là tài sản tham nhũng được tòa tuyên thì xử lý theo quy định. Còn trường hợp có sự chênh lệch tài sản mà chưa giải trình được thì xử lý thế nào? Vấn đề này pháp luật hiện chưa quy định. Đây là vấn đề cơ chế chứ không phải chỉ trường hợp của ông Phạm Sỹ Quý. Cho nên tới đây sẽ trình QH hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó có nội dung này” - Phó Tổng Thanh tra nói.

ĐỨC MINH
Nguồn: plo.vn 



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết