Chi tiết tin

Chỉ nên ‘xử’ cán bộ tòa vi phạm trong tố tụng

Ngày Đăng : 06/02/2017 - 7:35 AM
(PL)- TAND Tối cao chỉ nên ban hành quy chế xử lý trách nhiệm, kỷ luật đối với chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa nếu có sai phạm trong hoạt động tố tụng...
Mới đây, Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu một số nội dung đáng chú ý của dự thảo quy chế xử lý trách nhiệm đối với chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa. Góp ý, có người ủng hộ, có người băn khoăn rằng dự thảo có những quy định khá khắt khe với cán bộ tòa, chẳng hạn như quy định hạ bậc lương thẩm phán, cán bộ tòa gặp gỡ, ăn uống với đương sự...

 

Chỉ điều chỉnh sai phạm trong tố tụng

Theo tôi, việc ban hành quy chế không nên chỉ dừng lại ở việc xử lý trách nhiệm mà phải bảo đảm cho chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa có một môi trường để họ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Khác với các cơ quan khác, tòa là cơ quan tư pháp, là trung tâm thực hiện quyền tư pháp mà công tác xét xử là trọng tâm. Chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa không chỉ là người tiến hành tố tụng mà còn là công chức nên phải bị điều chỉnh bởi pháp luật về công chức. Ngoài các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND, chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa còn được các bộ luật, luật tố tụng điều chỉnh khi họ là người tiến hành tố tụng.

Chủ trương ban hành một bản quy chế về toàn bộ hoạt động của cán bộ tòa án các cấp là điều khó thực hiện vì mỗi tòa, mỗi đơn vị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau; mỗi chức danh tư pháp trong một tòa cũng khác nhau. Do đó, TAND Tối cao chỉ nên ban hành một quy chế về việc xử lý trách nhiệm, kỷ luật đối với chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa nếu có sai phạm trong hoạt động tố tụng.

Quy chế cần “khoanh lại” phạm vi điều chỉnh những người trên có sai phạm trong khi tiến hành tố tụng. Đây là điều cần thiết nhằm siết chặtkỷ cương, kỷ luật của người tiến hành tố tụng trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Còn các vấn đề khác, quy chế không nên quy định mà để pháp luật hoặc quy chế của từng đơn vị tòa điều chỉnh. Chẳng hạn trước đây, ở TAND Tối cao duy nhất chỉ có Tòa Hình sự có bản quy chế đầy đủ, điều chỉnh toàn bộ hoạt động của cán bộ, nhân viên từ chánh Tòa Hình sự trở xuống. Bản quy chế này quy định nhiệm vụ của từng chức danh trong đơn vị, thẩm quyền giải quyết, mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa bộ phận này với bộ phận khác, thang bậc tính điểm cho từng công việc, chế độ khen thưởng, kỷ luật...

Chỉ nên ‘xử’ cán bộ tòa vi phạm trong tố tụng - ảnh 1

 

Kết án oan, xử lý ra sao?

Về nội dung, quy chế của TAND Tối cao nên có những điều khoản cấm mà nếu chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa làm là vi phạm. Ngoài ra, có thể quy định thêm những điều không được làm như “khi tiếp xúc với người tham gia tố tụng và người thân của họ không được có thái độ hách dịch, cửa quyền, quan liêu hoặc gây khó khăn, phiền hà; “việc tiếp người tham gia tố tụng hoặc người nhà của người tham gia tố tụng phải đúng quy định của pháp luật”...

Các vi phạm của chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy theo mức độ mà có hình thức kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc theo Luật Cán bộ, công chức. Ví dụ: Sửa chữa, bổ sung bản án không đúng quy định. Thiếu trách nhiệm dẫn đến hư hỏng, mất, thất lạc hồ sơ, tài liệu, vật chứng, chứng cứ của vụ án. Cố ý không thực hiện quy định về cấp, giao, gửi hoặc thông báo các quyết định, văn bản tố tụng. Nhận quà hoặc lợi ích khác (kể cả lợi ích phi vật chất). Thiếu trách nhiệm để mất tài liệu, hồ sơ vụ án; ghi các biên bản không đúng với lời khai hoặc thực tế khách quan…

Đặc biệt, quy chế không nên quy định những vấn đề không liên quan đến hoạt động tố tụng. Ví dụ: Môi giới, đưa, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, bố trí công tác, nâng ngạch trái quy định; tổ chức, tham gia đánh bạc, gá bạc hoặc các tệ nạn xã hội khác; nghiện ma túy; bị kết án...

Ngoài ra, quy chế cần quy định thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc thẩm phán tham gia xét xử (không phải là chủ tọa phiên tòa) kết án oan người vô tội hoặc bị hủy, sửa án do lỗi cố ý hoặc vô ý thì trách nhiệm như thế nào. Nếu vì lý do khách quan mà không do lỗi của thẩm phán thì xử lý sao. Đây là vấn đề hiện nay xã hội đang rất quan tâm và cũng là trách nhiệm của thẩm phán trong hoạt động tố tụng.

Dự thảo quy định rất nhiều vi phạm

Theo dự thảo, người giữ chức danh tư pháp trong ngành tòa án bị khiển trách khi có một trong các hành vi:

- Khi xét xử mặc không đúng trang phục xét xử; ngủ gật; sử dụng ĐTDĐ để nghe, gọi; hút thuốc; uống rượu bia, đồ uống có cồn khác hoặc các hành vi làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, uy tín của tòa, đã được người có thẩm quyền nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm.

- Cố ý để vợ (chồng), cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ (chồng), con, anh chị em ruột tham gia bào chữa hoặc tư vấn những vụ, việc được phân công giải quyết.

- Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ, việc mình có trách nhiệm giải quyết tại địa điểm, thời gian không đúng quy định của pháp luật.

- Thiếu trách nhiệm dẫn đến hư hỏng, mất, thất lạc hồ sơ, tài liệu, vật chứng, chứng cứ của vụ án nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Cố ý không thực hiện quy định về cấp, giao, gửi hoặc thông báo các quyết định, văn bản tố tụng…

Với những vi phạm này ở mức độ cao hơn, người giữ chức danh tư pháp có thể bị cảnh cáo hoặc hạ bậc lương. Chẳng hạn tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại địa điểm, thời gian không đúng quy định, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tòa. Gặp gỡ, ăn uống với đương sự trong vụ, việc mà mình được giao giải quyết, xét xử làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ, việc hoặc ảnh hưởng tới uy tín của tòa…

Dự thảo cũng quy định người giữ chức danh tư pháp bị giáng chức hoặc cách chức khi có một trong các hành vi:

- Nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác nhưng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự để giải quyết hoặc tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ, việc trái quy định của pháp luật, quy chế, quy định của TAND.

- Môi giới, đưa, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, bố trí công tác, nâng ngạch trái quy định…

- Tổ chức, tham gia đánh bạc, gá bạc hoặc các tệ nạn xã hội khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự...

ĐINH VĂN QUẾ 
Trích nguồn: plo.vn



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết