Chi tiết tin

Chính sách mới có hiệu lực trong tháng 3-2018 (phần 2)

Ngày Đăng : 28/02/2018 - 10:26 AM

 

(PLO)-Nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 3-2018. PLO xin giới thiệu một số quy định đáng chú ý

Điều kiện bổ nhiệm lãnh đạo Sở TNMT

Tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường : Tuổi bổ nhiệm lần đầu ưu tiên những người dưới 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ, có thời gian công tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường từ 5 năm trở lên (cộng dồn); phải tốt nghiệp đại học trở lên một trong các chuyên ngành về tài nguyên và môi trường hoặc chuyên ngành khác có liên quan nhưng phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ của lĩnh vực được giao phụ trách; Tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên...
Đối với chức danh Giám đốc Sở, yêu cầu còn phải có trình độ ngoại ngữ (Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc) tương đương bậc 3 Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Trường hợp địa phương có số đông đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên người sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số thông dụng trong vùng.
(Thông tư 77/2017/TT-BTNMT hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3 quy định).
Cơ cấu tổ chức lại Tổng cục Quản lý đất đai
Từ ngày 18-3, Tổng cục Quản lý đất đai chỉ còn 13 đơn vị trực thuộc thay vì 15 đơn vị như hiện nay. Đáng chú ý, Trung tâm Đào tạo và Truyền thông đất đai, Trung tâm ứng dụng và Phát triển công nghệ địa chính sẽ không còn trong cơ cấu tổ chức Tổng cục Quản lý đất đai; Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, Công nghệ được đổi tên thành Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Trung tâm Điều tra, Đánh giá tài nguyên đất được đổi thành Trung tâm Điều tra và Quy hoạch đất đai.
(Quyết định 02/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Quản lý đất đai, có hiệu lực thi hành từ ngày 18-3).
Đánh giá chất lượng công chức
Đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là cơ sở pháp lý để đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; nhằm cung cấp thông tin về mức độ nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức sau khi được bồi dưỡng; cung cấp cho các cơ quan, tổ chức đánh giá, cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp dịch vụ những thông tin khách quan về thực trạng chất lượng bồi dưỡng. Căn cứ vào kết quả đánh giá chất lượng bồi dưỡng, các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng, cán bộ, công chức sẽ được đánh giá về hiệu quả sau bồi dưỡng với các nội dung đánh giá như: Kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; Kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; Kỹ năng giải quyết vấn đề được nâng lên; Tính chủ động, tích cực và trách nhiệm trong công việc. Đáng chú ý, có cả đánh giá công chức về tinh thần hợp tác với đồng nghiệp.
(Thông tư 10/2017/TT-BNV đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3 quy định).
Xử lý kỷ luật cán bộ công chức
Chậm nhất sau 15 ngày từ ngày về nước, các cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học ở nước ngoài phải gửi báo cáo rõ về cơ quan về những kiến thức, kinh nghiệm đã tiếp thu trong quá trình được học ở nước ngoài và đề xuất vận dụng vào công tác chuyên môn, quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị đang công tác.
Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng không chấp hành quy định của đoàn, bỏ học không có lý do; vi phạm nội quy của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc pháp luật của nước sở tại; không chấp hành các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, kỷ luật phát ngôn, giữ bí mật của Nhà nước; về nước không đúng thời hạn (trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép), tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức
(Thông tư 01/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn một số điều về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ ngày 1-3 quy định).

Chính sách mới có hiệu lực trong tháng 3-2018 (phần 2) - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bãi bỏ chính sách tài chính với Khu kinh tế cửa khẩu
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bãi bỏ cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu tại Quyết định 01/2018/QĐ-TTg. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-3- 2018.
Các dự án đầu tư đang được hưởng chính sách ưu đãi ghi trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư đã được cấp hoặc đang được hưởng mức ưu đãi theo quy định tại Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg tiếp tục thực hiện các ưu đãi đó cho thời gian còn lại của dự án. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới quy định mức ưu đãi cao hơn thì được lựa chọn hưởng chính sách ưu đãi cao hơn cho thời gian còn lại của dự án.
Quy định dự thầu qua mạng
Khi tham dự thầu qua mạng, nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành. Nhà thầu có thể scan thư bảo lãnh của ngân hàng nếu ngân hàng đó đã có đã kết nối với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nếu ngân hàng chưa kết nối hệ thống thì nhà thầu phải cam kết nộp bản gốc bảo lãnh dự thầu theo quy định.
Có 2 trường hợp nhà thầu phải nộp bản gốc thư bảo lãnh dự thầu cho bên mời thầu, gồm: Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng; Nhà thầu vi phạm quy định về đấu thầu dẫn đến không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu…
(Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3).
Dừng khuyến mãi 50% thẻ nạp ĐTDĐ
Theo quy định, tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại cho thuê bao trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị của dịch vụ. Đối với thuê bao trả sau, không được vượt quá 50%. Như vậy, từ ngày 1-3, các nhà mạng chỉ được khuyến mại đến tối đa 20% giá trị thẻ nạp đối với thuê bao trả trước và tối đa 50% giá trị thẻ nạp đối với thuê bao trả sau.
(Thông tư 47/2017/TT-BTTTT về hạn mức khuyến mãi với thuê bao trả trước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3 quy định).
Bệnh nhân phải ký nhận thuốc hàng ngày
Bệnh viện phải công khai thuốc dùng hàng ngày cho từng người bệnh điều trị nội trú; yêu cầu người bệnh hoặc người thân ký nhận vào Phiếu công khai dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú hàng ngày. Phiếu này để ở kẹp đầu giường bệnh hoặc cuối giường bệnh.
(Thông tư 50/2017/TT-BYT của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1-3 quy định).
Quy định về kê đơn thuốc
Đối với trẻ 72 tháng tuổi điều trị ngoại trú, phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ vào đơn thuốc. Nội dung kê đơn thuốc phải ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh. Ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú. Kê đơn phải theo nguyên tắc, chỉ kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh…
(Thông tư 52/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3 quy định).
Hỗ trợ đóng mới tàu
Nhà nước sẽ hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu cho chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản (tàu vỏ thép) có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV. Đối với đóng mới tàu cá có công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, mức hỗ trợ tối đa 8 tỷ đồng/tàu.
Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên; 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu hàng năm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên.
(Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số chính sách phát triển thủy sản, có hiệu lực từ ngày 25-3 quy định).
Tiêu chuẩn thành lập tổ dân phố
Vùng đồng bằng, có từ 500 hộ gia đình trở lên và ở vùng miền núi, hải đảo có từ 300 hộ gia đình trở lên thì được thành lập tổ dân (quy định cũ là 250 và 150 hộ đối với vùng tương ứng).
Đối với thôn, ở vùng đồng bằng miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên phải có từ 400 hộ gia đình trở lên; khu vực miền Nam có từ 500 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi, hải đảo có từ 200 hộ gia đình trở lên.
(Thông tư 04/2017/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3 quy định).
Công bố rủi ro trong giao dịch chứng khoán trực tuyến
Trang thông tin điện tử chính thức phục vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến của công ty chứng khoán phải công bố các rủi ro có thể xảy ra khi nhà đầu tư thực hiện giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Các rủi ro bao gồm: Trong khi truyền tải qua mạng internet, lệnh giao dịch có thể bị treo, bị ngừng, bị trì hoãn hoặc có lỗi dữ liệu;
Việc nhận dạng các tổ chức hoặc nhà đầu tư có thể không chính xác, lỗi về bảo mật có thể xảy ra;
Giá cả thị trường và các thông tin chứng khoán khác có thể có lỗi hoặc sai lệch;
Những rủi ro có thể xảy ra của các phương thức xác thực đặt lệnh cho nhà đầu tư...
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc bất thường đối với Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối chứng chỉ quỹ và các tổ chức, cá nhân khác về thực hiện giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán theo quy định hoặc khi xảy ra sự cố ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư và sự an toàn của thị trường chứng khoán.
(Thông tư 134/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3 quy định). 
L. THANH
Nguồn: plo.vn



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết