Chi tiết tin

Chuyện ông cụ 30 năm đòi bồi thường oan

Ngày Đăng : 15/03/2017 - 10:18 AM

(PL)- Suốt 30 năm nay, một ông cụ 82 tuổi đã liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng mong mỏi được làm rõ một vụ án tham ô để minh oan cho mình...

Gửi đơn tới Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hòa (82 tuổi, ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) phản ánh 30 năm nay ông đã liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng mong mỏi được làm rõ một vụ án tham ô để minh oan cho mình. Vì bất ngờ bị bắt về tội tham ô năm 1984 mà đến nay ông không được hưởng chế độ, chính sách gì, chỉ được lãnh tiền hỗ trợ hơn 200.000đồng/tháng dành cho người trên 80 tuổi.

14 năm mang thân phận bị can

Ông Hòa kể ông tham gia cách mạng từ năm 1965, được bố trí công tác bí mật tại TP Cần Thơ. Trong thời gian tham gia cách mạng, ông từng hai lần bị giặc bắt. Sau khi đất nước thống nhất, ông được bố trí công tác tại Phòng Giao thông vận tải của TP Cần Thơ (cũ). Đến năm 1977, ông được Phòng Giao thông vận tải phân công xuống phụ trách HTX vận tải thủy bộ của TP này.

Hai năm đầu, hoạt động của HTX thuận lợi vì được Nhà nước bán xăng dầu. Đến năm 1979, Nhà nước gặp khó khăn nên không có xăng dầu bán cho HTX nữa. Từ đó HTX phải tự thân mua xăng dầu từ bên ngoài với giá cao để hoạt động. Vì vậy, có người tố cáo ông tham ô nên ông bị đình chỉ công tác, bị khai trừ Đảng, bị cơ quan công an ký lệnh bắt tạm giam hai tháng để điều tra về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa.

“Trên giấy nói bắt tạm giam tôi hai tháng nhưng thực tế tôi đã ở trong trại giam 15 tháng, từ tháng 11-1984 đến ngày 3-2-1986 mới được tạm tha, nói là chờ ngày xét xử. Nhưng từ ngày được tha, tôi đã làm nhiều đơn gửi các cơ quan yêu cầu sớm đưa vụ việc của tôi ra xử mà không có cơ quan nào xét xử tôi cả” - ông Hòa kể.

Mãi đến 12 năm sau, tức năm 1998, VKSND TP Cần Thơ (cũ) mới ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hòa. Quyết định đình chỉ điều tra bị can ghi do chuyển biến của tình hình, bị can không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS), chuyển sang xử lý khác.

Chuyện ông cụ 30 năm đòi bồi thường oan - ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Hòa với rất nhiều giấy tờ, giấy báo phát của bưu điện trong hành trình khiếu nại kêu oan. Ảnh: N.NAM

Kêu oan mòn mỏi

Sau khi nhận quyết định đình chỉ điều tra, ông Hòa không bị cơ quan nào “xử lý khác” về vấn đề gì cả. Chỉ có ông, do thấy mình bị buộc tội không đúng nên đã làm đơn khiếu nại khắp nơi để yêu cầu được làm rõ tội danh, nếu ông không có tội thì minh oan và bồi thường thiệt hại cho ông. Theo ông Hòa, CQĐT và VKS quy kết ông tham ô mà không chứng minh được ông đã tham ô những gì, tham ô bao nhiêu tiền và buộc ông phải bồi thường những khoản nào cho HTX...

Ông Hòa khiếu nại đòi bồi thường oan, đến năm 2004 thì VKSND TP Cần Thơ (mới) có văn bản thông báo giải quyết. Văn bản này nêu: “Hành vi của Hòa đã bị Công an TP Cần Thơ (cũ) khởi tố ngày 6-11-1984 và Hòa bị bắt từ 10-11-1984. Đến 3-2-1986 được VKSND TP (cũ) tạm tha về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa. Căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ thì không đủ cơ sở kết luận Nguyễn Văn Hòa phạm tội tham ô và hành vi của bị can có các yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”...

Cũng theo văn bản này, VKSND TP Cần Thơ (cũ) xét thấy vụ án xảy ra đã lâu. Mặt khác, ban lãnh đạo VKSND TP Cần Thơ (cũ), kiểm sát viên, điều tra viên (cũ) thụ lý vụ án đã chuyển đổi... nên việc tiếp tục điều tra gặp khó khăn. Vì vậy, VKSND TP Cần Thơ (cũ) đã thực hiện chỉ đạo của VKSND tỉnh Cần Thơ (cũ) vận dụng Điều 48 BLHS 1985 quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ điều tra bị can với lý do miễn TNHS đối với ông Hòa.

Từ đó VKSND TP Cần Thơ (mới) khẳng định căn cứ vào Nghị quyết 388/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về bồi thường thiệt hại cho người bị oan) thì ông Hòa không thuộc trường hợp được bồi thường như đơn yêu cầu.

Ông Hòa tiếp tục khiếu nại. Tháng 5-2008, VKSND Tối cao có văn bản thông báo kết quả giải quyết đơn khiếu nại. Văn bản này nêu: “VKSND Tối cao nhận thấy cơ quan tố tụng của tỉnh Cần Thơ (cũ) xác định ông có hành vi vi phạm pháp luật hình sự nhưng do chuyển biến của tình hình và xét thấy ông không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên đã căn cứ khoản 1 Điều 48 BLHS 1985 để ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, đình chỉ điều tra bị can, miễn TNHS đối với ông là có căn cứ. Đối chiếu với điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 388 thì trường hợp của ông không thuộc diện được bồi thường thiệt hại”.

“Có tội nhưng được miễn”

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ Nguyễn Thống Nhất nói: “Kết thúc giải quyết rồi. Hồi đó không phải ông Hòa không phạm tội mà miễn TNHS cho ông ấy thôi. Hồ sơ vẫn còn đây, có hành vi phạm tội mà hành vi đó được miễn chứ không phải không phạm tội”.

Chúng tôi đặt vấn đề: Quyết định đình chỉ điều tra không hề ghi ông Hòa phạm tội khác là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ nêu lý do là “do chuyển biến của tình hình” nên miễn TNHS đối với ông Hòa về tội tham ô. Trong khi đó, việc điều tra cho thấy không đủ cơ sở kết luận ông Hòa phạm tội tham ô. Mặt khác, tội tham ô tài sản cho đến thời điểm này vẫn đang được quy định trong BLHS. Do đó, dùng lý do “do chuyển biến của tình hình” để miễn TNHS là chưa ổn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thống Nhất, “đơn của ông Hòa đã được giải quyết rồi, trên trung ương (VKSND Tối cao - PV) cũng đã trả lời rồi nên ở đây không giải quyết nữa”. “Cấp trên đã thẩm định, cấp dưới cấp trên đã thống nhất hết rồi, muốn bồi thường cũng không bồi thường được vì trung ương đã nói không bồi thường được” - ông Nhất khẳng định.

Không chứng minh được, sao nói có tội?

Về nguyên tắc, khi khởi tố hành vi tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa để điều tra thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được hành vi phạm tội, hậu quả thiệt hại, ông Hòa tham ô bao nhiêu. Nhưng ở đây, cơ quan tố tụng đã không chứng minh được các vấn đề này. Các văn bản trả lời khiếu nại của ông Hòa mang tính suy diễn rằng ông Hòa không phạm tội này thì tội kia là né tránh trách nhiệm bồi thường. Bởi nguyên tắc của pháp luật hình sự là phải truy cứu đúng người, đúng hành vi phạm tội.

Theo tôi, việc cơ quan tố tụng đình chỉ với lý do “do chuyển biến của tình hình” nên miễn TNHS cho ông Hòa là không đúng. Nếu truy tố thì tòa án sẽ tuyên ông Hòa không phạm tội vì không có hành vi tham ô.

Luật sư NGUYỄN VĂN QUYNHĐoàn Luật sư TP Hà Nội

NHẪN NAM



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết