Chi tiết tin

Có nên thành lập quỹ bồi thường oan sai hay không?

Ngày Đăng : 10/01/2017 - 7:41 AM
(PLO)- Đó là nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến tại phiên làm việc sáng 9-1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) (Luật TNBTNN). 
Nhiều ý kiến cho rằng không nên lấy tiền thuế của dân để bồi thường oan sai mà lên lập quỹ bồi thường độc lập, có nguồn thu từ việc xử phạt hành chính, hoạt động tội phạm…
Trình bày một số vấn đề lớn của dự án Luật TNBTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay: "Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy khoản tiền xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ là các khoản thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước.

 

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, nếu thành lập quỹ bồi thường độc lập thì các nguồn thu này vẫn phải nộp vào ngân sách, sau đó phân bổ cho quỹ.

Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc bố trí một khoản tiền để thành lập quỹ bồi thường nhà nước cần được cân nhắc. Mặt khác, nếu thành lập quỹ sẽ phát sinh tổ chức bộ máy biên chế, không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Thông tin thêm một số khó khăn của công tác bồi thường oan sai, theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình mặc dù về nguồn tiền để bồi thường oan sai luôn được cơ quan tài chính đáp ứng nhưng lại có áp lực vì bị mang tiếng “lấy tiền thuế của dân để bồi thường oan sai”.

Theo ông Bình, nhìn ra nước ngoài, ở Úc có hình thành quỹ để bồi thường. Tuy nhiên, vấn đề lập quỹ ở nước ta không được các cơ quan chức năng ủng hộ.

Ông Bình đề nghị: "Vấn đề này UBTVQH cần phải cân nhắc, nếu như không giải quyết được việc này thì từ nay về sau vẫn phải chịu áp lực về câu hỏi tiền thuế của dân không phải để đem đi giải quyết bồi thường".

Có nên thành lập quỹ bồi thường oan sai hay không? - ảnh 1
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải.

Đồng quan điểm này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng: “Cử tri cũng băn khoăn nhiều vì tiền bồi thường lấy ở đâu. Đại diện Bộ Tài chính nói thu tiền nộp phạt được hơn 7.000 tỉ đồng. Nếu lập quỹ bồi thường độc lập có nguồn thu từ tiền phạt, tiền hoạt động tội phạm… thì người dân thấy minh bạch hơn, người dân cũng không cảm thấy tiền thuế của mình bị lấy để bồi thường”.

Tuy nhiên, quan điểm lập quỹ bồi thường oan sai đã không được nhiều ý kiến tán thành. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng không nên lập quỹ riêng, không nên phân chia rạch ròi tiền thu phạt thì dùng để bồi thường.

“Hoạt động của Nhà nước là phải do ngân sách đảm bảo. Cái này phải giải thích cho người dân. Việc rạch ròi, khoản này chi việc này, khoản khác chi việc khác là không hợp lý, vì nhân danh Nhà nước tuyên án sai thì phải lấy ngân sách nhà nước bồi thường” - ông Hiển lập luận.

Có nên thành lập quỹ bồi thường oan sai hay không? - ảnh 2
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Về việc người gây ra oan sai có phải chịu trách nhiệm bồi thường hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng: “Những người đó không làm cho cá nhân mà nhân danh Nhà nước. Do đó khoản bồi thường phải lấy từ ngân sách nhà nước trước để bồi thường cho người bị oan sai. Còn khoản bồi hoàn thì phải tính sau, mức độ cũng nhất định theo trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân”.

TRỌNG PHÚ
Trích nguồn: plo.vn



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết