Chi tiết tin

Công an còng tay ‘mời’ nghi can lúc 3 giờ sáng

Ngày Đăng : 08/09/2016 - 8:26 AM
(PL)- Đó là lời khai của các cựu công an Phú Yên tại phiên tòa phúc thẩm vụ công an đánh chết nghi can Ngô Thanh Kiều.

Ngày 7-9, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã mở lại phiên tòa phúc thẩm xử vụ các công an Phú Yên đánh chết nghi can Ngô Thanh Kiều. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong ba ngày.

Tòa án đã bố trí lực lượng công an chốt chặn ngay khu vực cổng và bên trong trụ sở TAND Cấp cao. Những người tham dự phiên tòa đều phải xuất trình các loại giấy tờ cần thiết và bị kiểm tra túi xách, máy ảnh...

Tòa công bố không cho các nhà báo chụp ảnh phiên xử mà chỉ được chụp khi tòa tuyên án.

Nói mời nhưng lại bắt

Sau khi điểm qua nội dung kháng cáo của các bị cáo, gia đình bị hại, HĐXX xét hỏi bị cáo Lê Đức Hoàn, nguyên phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên, đầu tiên. Bị cáo này bị TAND tỉnh Phú Yên phạt chín tháng tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

HĐXX và các luật sư tập trung xét hỏi bị cáo Hoàn về việc nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị còng tay và dẫn ra khỏi nhà lúc 3 giờ sáng ngày 13-5-2012. Phía gia đình bị hại cho rằng đây là hành vi bắt giữ người trái pháp luật của công an nên đề nghị tòa làm rõ.

Các bị cáo cựu công an Phú Yên tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TẤN TÀI

HĐXX hỏi bị cáo Hoàn tại sao Kiều bị còng tay, đưa về trụ sở vào lúc 3 giờ sáng. Hoàn trả lời mình không ra lệnh bắt mà chỉ mời Kiều về làm việc. Hoàn nói vào chiều 12-5-2012, bị cáo có chỉ đạo mời Kiều lên làm việc nhưng anh em cấp dưới làm không đúng, lại đi còng tay. Việc còng tay này là nhằm đề phòng đối tượng bỏ trốn hoặc tự sát.

Tòa hỏi theo quy định thì làm việc theo giấy mời có được còng tay không, Hoàn trả lời không. “Đó là do anh em làm sai. Lúc này ban chuyên án đã có trong tay đầy đủ chứng cứ cũng như lời khai của Sơn (khai vào sáng 12-5) để bắt Kiều nhưng tôi chỉ mời” - Hoàn nói. Tòa hỏi: “Nếu đã có đủ chứng cứ rồi thì bắt luôn chứ sao lại mời?”. Hoàn trả lời vì cứ nghĩ mời về làm việc sẽ tránh được những phức tạp, phiền phức không cần thiết.

Chối trách nhiệm bắt, giữ người trái pháp luật

Trả lời câu hỏi việc mời nghi can như vậy có đúng quy trình không, Hoàn giải thích là do thời điểm đó gấp gáp nên anh em ở Công an huyện Đông Hòa ký giấy mời. “Việc ký giấy này là bình thường, không nhất thiết phải do tôi trực tiếp ký. Tôi chỉ đạo việc mời. Còn ai ký giấy mời thì người đó chịu trách nhiệm” - bị cáo trả lời.

Ngay sau đó, luật sư Nguyễn Văn Thắng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành) đã trình lên HĐXX một chứng cứ mới trong vụ án. Đó là giấy mời Ngô Thanh Kiều đến làm việc của Công an xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa, Phú Yên) nhưng đã bị tẩy xóa, chỉnh sửa. Luật sư Thắng nói nó đã bị chỉnh sửa về mặt thời gian và vị trí mời đến làm việc.

Ngoài ra, trong một cuộc họp giữa Công an TP Tuy Hòa, Công an tỉnh và VKSND tỉnh Phú Yên vào tối 13-5 thì các bị cáo Huy, Quang, Quyền có cầm hồ sơ của Hoàn để hợp thức hóa giấy tờ bắt Kiều. Nhưng Hoàn phủ nhận việc này. “Tôi không hợp thức hóa giấy tờ bắt vì không nghĩ là sẽ bắt. Trong vụ việc này tôi có thiếu sót về mặt thủ tục nhưng cá nhân bị cáo không chịu trách nhiệm về hành vi bắt giữ người trái pháp luật” - bị cáo Hoàn nói.

Thiếu trách nhiệm cả hai giai đoạn

Bị cáo Hoàn khai khi Kiều bị giữ tại Phòng Điều tra tổng hợp Công an TP Tuy Hòa thì trong ngày 13-5, Hoàn có hai lần xuống kiểm tra tình hình. Cả hai lần xuống thì không phát hiện việc Kiều bị đánh đập hay vấn đề gì bất thường. Bị cáo còn dặn dò anh em lo cơm nước cho nghi can. Đến trưa cùng ngày, Hoàn phân công lại công việc cho các thành viên khác rồi về nhà nghỉ ngơi, ăn cơm trưa. Đến 14 giờ, Hoàn đến chỉ đạo cấp dưới dẫn giải Kiều lên PC45 công an tỉnh để làm việc. Hoàn khai do thời gian diễn ra lâu nên không biết tình trạng sức khỏe Kiều lúc đó như thế nào, đến tối thì mới nhận được tin Kiều đã tử vong.

Hoàn cho rằng trong trường hợp có đầy đủ cơ sở (buộc tội) như vậy thì không cần thiết phải đánh đập Kiều. “Việc Kiều có thừa nhận hay không cũng không thành vấn đề vì đã có đủ chứng cứ xác nhận. Nhưng do anh em bực dọc với thái độ ngoan cố của Kiều nên mới xảy ra chuyện đánh đập. Vụ án xảy ra ở huyện Sông Cầu rồi chuyển lên PC45 Công an tỉnh Phú Yên khởi tố nên tôi không thể quản lý hết được. Tôi chỉ chỉ đạo anh em lấy lời khai thôi chứ không chỉ đạo đánh” - bị cáo Hoàn khai.

HĐXX cho rằng Hoàn thiếu trách nhiệm trong cả hai giai đoạn: Một là tại thời điểm nạn nhân Kiều bị mời lên làm việc nhưng lại bị còng tay, đưa đi vào lúc 3 giờ sáng; hai là thời điểm đưa Kiều về trụ sở lấy lời khai nhưng lại để cán bộ dưới quyền đánh chết nghi phạm.

Trong chiều cùng ngày, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo còn lại. Cũng như các phiên tòa trước, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành kêu oan và cho rằng mình không đánh Kiều dẫn đến tử vong. Thành khai có cầm gậy cao su lên dọa Kiều nhưng thấy nạn nhân kêu xin tha nên buông xuống. Thành thấy Nguyễn Minh Quyền dùng gậy đập Kiều từ trên xuống.

Các bị cáo Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang đều thừa nhận có đánh Kiều nhưng chỉ đánh vài cái ở chân, không đánh phần đầu (?!).

Hôm nay phiên tòa tiếp tục.

Gia đình bị hại yêu cầu xử tội giết người

Ở phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Phú Yên đã phạt Lê Đức Hoàn, nguyên phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên, chín tháng tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội dùng nhục hình, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành bị phạt tám năm tù, Nguyễn Minh Quyền hai năm sáu tháng tù, Phạm Ngọc Mẫn hai năm ba tháng tù, Nguyễn Tấn Quang hai năm tù và Đỗ Như Huy một năm tù treo.

Sau đó, cả bị cáo và phía gia đình bị hại đều có kháng cáo. Trong đó Thành kháng cáo kêu oan, còn Quyền, Mẫn và Quang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Phía gia đình nạn nhân Kiều kháng cáo yêu cầu chuyển tội danh của các bị cáo từ dùng nhục hình sang tội giết người và bắt người trái pháp luật, tăng hình phạt đối với Lê Đức Hoàn (không cho hưởng án treo)...

TẤN TÀI

Trích nguồn: plo.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết