Chi tiết tin

Dự án BOT: Có sai phạm nhưng… không biết ai sai!

Ngày Đăng : 08/06/2016 - 7:41 AM
(PL)- Bộ GTVT chưa trả lời được câu hỏi tại sao có chuyện nhầm lẫn đơn giá định mức, nhầm lẫn trong xác định khối lượng, trong thẩm định tổng mức đầu tư…

“Các dự án BOT có những điểm tích cực như giảm thời gian đi lại, tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, khai thác cầu đường. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án BOT thời gian qua đã có những sai sót khiến dư luận bức xúc”. Ngày 7-6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhìn nhận như trên tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015.

Ai gây ra sai phạm?

Ông Nhật chỉ rõ những sai sót trong triển khai dự án BOT: Nhầm lẫn trong việc xác định tổng mức đầu tư (như áp dụng lương nhân công, lựa chọn giá vật liệu, xác định chi phí vận chuyển, tính toán khối lượng....); phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi khi chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; nhầm lẫn đơn giá định mức; tổ chức khởi công công trình khi thiết kế, bản vẽ thi công chưa được phê duyệt...

“Những sai phạm này chủ yếu ở các dự án quốc lộ 1 và quốc lộ 14 qua Tây Nguyên. Nguyên nhân do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa hoàn thiện, có những chế độ chính sách còn có cách hiểu khác nhau giữa các bộ, ngành…” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Không đồng tình, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), cho rằng Bộ GTVT chưa làm rõ có hay không chuyện tiêu cực trong quản lý đầu tư và xây dựng công trình như móc ngoặc, “bôi trơn” giữa các bên chủ đầu tư, nhận thầu xây dựng, quản lý giám sát dự án, công trình, kể cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền… “Vấn đề này có hay không, có đến mức nào và vì sao xảy ra?” - ông Hồ thắc mắc.

Ông Hà Văn Hiền, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cũng đặt câu hỏi: “Tại sao có chuyện nhầm lẫn đơn giá định mức, nhầm lẫn trong xác định khối lượng, trong thẩm định tổng mức đầu tư, xác định phí vận chuyển, lựa chọn giá vật liệu…?”.

Trước những câu hỏi trên, ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ GTVT, không trả lời ngay mà hứa sẽ ghi nhận để khắc phục trong thời gian tới.

Tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng nếu đi cao tốc hay quốc lộ người dân đều mất phí. Ảnh: V.LONG

Người dân sẽ có sự lựa chọn

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, phản ánh hiện nay trạm thu phí BOT dày đặc, người dân hầu như có rất ít sự lựa chọn khi lưu thông. Ví dụ, tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng nếu đi cao tốc hay quốc lộ người dân đều mất phí. Đặc biệt, các trạm thu phí lẽ ra phải bỏ như trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bắc đèo Hải Vân, Long Xuyên - Cần Thơ… vẫn tồn tại gây bức xúc cho người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định trong thời gian tới chỉ nghiên cứu, triển khai đầu tư BOT các tuyến đường mới và tổ chức thu phí trên tuyến mới để đảm bảo người dân có sự lựa chọn khi tham gia giao thông. Bộ GTVT sẽ không đầu tư đồng thời tuyến cũ và tuyến mới để thu phí trên tuyến cũ hoặc trên cả hai tuyến, trừ những dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai.

“Khi đóng góp ý kiến về vị trí trạm thu phí và chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BOT, các địa phương cần lấy ý kiến các tổ chức xã hội, người dân thường xuyên qua lại trạm thu phí để đảm bảo sự đồng thuận…” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị.

Hiện Bộ GTVT đang thiếu quy hoạch tổng thể về phân bổ nguồn lực cho đầu tư các công trình hạ tầng giao thông. Sắp tới phải xác định quy hoạch tổng thể, từ đó xem xét đường nào cần BOT, đường nào cần vốn ngân sách… Việc thiếu quy hoạch như hiện nay dẫn đến phân bổ trạm thu phí chưa hợp lý, đầu tư BOT còn nhiều bất cập. Đặc biệt, việc phân khúc đầu tư trên tuyến khiến nhiều trạm thu phí BOT mọc lên gây bức xúc cho người dân.

Ông TRỊNH ĐÌNH DŨNG, Phó Thủ tướng Chính phủ

Sắp tới sẽ có đơn vị độc lập tiến hành đánh giá hiệu quả đầu tư dự án BOT, so sánh với chi phí thực mà người dân phải trả so với những tiện lợi mà họ được hưởng… Việc đầu tư các dự án BOT cũng sẽ tập trung vào một số tuyến mà người dân có sự lựa chọn, trên cơ sở đảm bảo hài hòa các lợi ích. Trong đó chú trọng lợi ích người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng tăng chi phí vận tải.

Ông NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG, Thứ trưởng Bộ GTVT

Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn huy động cho tất cả dự án giao thông là trên 444.000 tỉ đồng. Trong đó nguồn vốn tư nhân là 186.660 tỉ đồng (chiếm 42%) và thu hút, ký kết được 6,24 tỉ USD vốn ODA (tổng vốn ODA đã ký kết đến nay là 18,46 tỉ USD). Trong giai đoạn này đã hoàn thành 26 dự án BOT và BT với tổng mức đầu tư 74.806 tỉ đồng.

VIẾT LONG

Trích nguồn: plo.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết