Từ ngày 1-1, nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông sẽ bị xử lý nghiêm. Trong đó, quy định về không sang tên giấy đăng ký xe và xe kinh doanh vận tải (KDVT) phải đổi biển số màu vàng được nhiều người dân quan tâm.

Phải sang tên xe trong 30 ngày

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Theo quy định tại Thông tư 58/2020 (quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) của Bộ Công an, trường hợp khi nộp hồ sơ, thủ tục sang tên đổi chủ nhưng quá thời hạn 30 ngày trên giấy tờ chuyển nhượng sẽ bị phạt.

Hiểu đúng về phạt xe không chính chủ  - ảnh 1
 Người dân đi đổi biển số màu vàng cho xe kinh doanh vận tải tại TP.HCM. Ảnh: THY NHUNG

Cụ thể, tại Điều 6 Thông tư 58/2020, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số. Đối với xe qua nhiều đời chủ mà không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu như hợp đồng mua bán, tặng, cho, thừa kế… đến nay đã hết thời hạn được giải quyết sang tên (hạn tới ngày 31-12-2021).

Nhiều người lo lắng về việc trường hợp mượn xe của người khác chạy trên đường thì có bị xử phạt lỗi đi xe không chính chủ hay không. Luật sư Tuấn cho biết với quy định tại Thông tư 58 thì cơ quan chức năng sẽ không dừng xe đang di chuyển trên đường để xử phạt lỗi không chính chủ trong trường hợp mượn xe.

Một đại diện Đội Đăng ký xe, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM (PC08) cho biết thời gian qua, các trường hợp thiếu giấy tờ chuyển nhượng đến làm thủ tục sang tên đổi chủ rất nhiều.

Vị này cũng cho biết trường hợp người dân dù có giấy tờ chuyển nhượng cũng phải hoàn thiện thủ tục sang tên đổi chủ để việc quản lý nhà nước được tốt hơn.

“Những trường hợp có giấy tờ chuyển nhượng, trong vòng 30 ngày nếu không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ sẽ bị phạt khi lên đăng ký sang tên xe. Do đó, người dân cần thực hiện đúng quy định” - vị này nói thêm.

Việc không làm thủ tục đăng ký sang tên xe sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019. Mức phạt tiền 400.000-600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ mô tô, xe máy và các loại xe tương tự mô tô.

Phạt tiền 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, 4-8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô.

 

Chậm nộp hồ sơ đổi biển số màu vàng có bị phạt?

Thông tư 58/2020 cũng quy định về xe KDVT phải đổi biển số màu vàng, chữ màu đen trước ngày 31-12-2021. Sau thời gian này, xe KDVT chưa đổi biển số theo quy định mà tham gia giao thông sẽ bị xử phạt.

Cụ thể, hành vi “không thực hiện đúng quy định về biển số” quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019 bị phạt tiền 2-4 triệu đồng (đối với cá nhân) và 4-8 triệu đồng (đối với tổ chức).

Theo ghi nhận của PV, hiện số lượng xe KDVT tại khu vực TP.HCM có khoảng 5.000 xe chưa đổi biển số màu vàng. Một đại diện PC08 cho biết thời gian qua, đơn vị tập trung rà soát, nắm số lượng, danh sách các xe, đơn vị KDVT trên địa bàn TP.HCM thuộc đối tượng phải đổi sang biển số màu vàng nhưng chưa thực hiện chuyển đổi để vận động. Từ đó tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu chủ xe thực hiện việc đổi biển số màu vàng theo đúng quy định. Trường hợp chủ xe tiếp tục không thực hiện việc đổi biển số xe theo quy định thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng PC08, cho biết đối với người đã nộp hồ sơ đổi biển số màu vàng và hiện đang có giấy hẹn thì được di chuyển và không bị xử phạt. Còn đối với người đang là xe KDVT chưa nộp hồ sơ mà vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo quy định.

“Chạy ngoài mà không đúng thì sẽ bị xử phạt, còn đối với người đến làm thủ tục mới, PC08 vẫn tiến hành các bước theo quy định” - Thượng tá Quới cho hay.•

Người vi phạm giao thông có thể bị xử phạt đến 75 triệu đồng

Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Theo đó, luật có nhiều điểm mới đáng quan tâm như tăng mức phạt tiền tối đa trong nhiều lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cụ thể, tại khoản 10 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012) có quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định phạt tiền đến 75 triệu đồng đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có giao thông đường bộ, giao thông đường sắt, giao thông đường thủy nội địa.