Chi tiết tin

‘Kiểm tra gắt để hải quan không dám tiêu cực’

Ngày Đăng : 27/05/2016 - 7:35 AM
(PL)- Cục Hải quan TP.HCM cũng đã đưa hệ thống camera giám sát hàng hóa và giám sát khu vực làm thủ tục hải quan vào hoạt động.

“Quan điểm của Tổng cục Hải quan là xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Ngành hải quan luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để phát hiện, xử lý kịp thời những cán bộ, công chức móc nối, tiếp tay cho doanh nghiệp (DN) trốn thuế, buôn lậu, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT”. Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm phụ trách Cục Hải quan TP.HCM(ảnh), khẳng định với Pháp Luật TP.HCM (xem bài “70 cán bộ hải quan, thuế dính chàm ra sao?” ngày 26-5).

Phải làm cán bộ sợ, không dám tham nhũng

Phóng viên: Hải quan là một trong những ngành nhạy cảm, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Là đơn vị quan trọng của ngành, Cục Hải quan TP.HCM có giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) như thế nào, thưa ông?

+ Ông Hoàng Việt Cường: TP.HCM là cửa ngõ xuất nhập khẩu lớn nhất nước, do vậy Cục Hải quan TP.HCM có khối lượng công việc lớn nhất ngành. Số thu ngân sách của Cục năm 2015 đạt 93.960 tỉ đồng, chiếm 36% cả ngành… Với khối lượng công việc lớn, chúng tôi luôn xác định công tác PCTN là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ngành đã thực hiện quyết liệt, thường xuyên công tác này với phương châm Chủ động phòng, kiên quyết chống và xử lý nghiêm.

. Các giải pháp đã được thực hiện là gì? Có kéo giảm được nạn tiêu cực, nhũng nhiễu không, thưa ông?

+ Chúng tôi đã triển khai bàn hướng dẫn thủ tục hải quan tại tất cả chi cục; niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hải quan; tạo trang web để người khai hải quan tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan.

Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM. Ảnh: Hữu Luận

Cục cũng thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với DN để nắm bắt vướng mắc, kiến nghị, khó khăn và chủ động giải quyết theo thẩm quyền. Cục Hải quan TP.HCM cũng là đơn vị đi đầu của ngành về khai báo điện tử từ năm 2005. Từ năm 2014, chúng tôi đã triển khai thành công chương trình thông quan điện tử tại 12/12 chi cục hải quan. Việc áp dụng hệ thống thông quan điện tử và quản lý rủi ro trong phân luồng giúp tờ khai hải quan được thông quan nhanh chóng, DN ít phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ hải quan. Nhờ đó hạn chế điều kiện phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.

. Ông có thể nói rõ hơn về các giải pháp mang tính khả thi chứ không chỉ về lý thuyết?

+ Cục Hải quan TP.HCM đã kiện toàn ban PCTN. Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải xây dựng kế hoạch PCTN chi tiết, cụ thể. Chúng tôi cũng sẽ tập trung kiểm tra những khâu nghiệp vụ dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, có thể bị lợi dụng để tham nhũng.

Bên cạnh công tác kiểm tra theo kế hoạch, Cục sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thiết lập đường dây nóng bằng số di động của lãnh đạo Cục. Chúng tôi cũng đã chủ động tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng (Bộ Công an, Công an TP.HCM…) trong việc ngăn chặn, kiểm soát hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói chung và phòng, chống tiêu cực của cán bộ, công chức hải quan nói riêng. Mục tiêu của chúng tôi là phải làm thật gắt để cán bộ không dám tham nhũng, không thể tham nhũng.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

. Nhưng vừa qua, công an phát hiện nhiều vụ gian lận thương mại, buôn lậu có dính đến một số cán bộ của ngành. Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan TP.HCM đã có giải pháp nào để hạn chế tình trạng cán bộ hải quan tiếp tay cho DN chiếm đoạt tiền hoàn thuế, buôn lậu?

+ Quan điểm của lãnh đạo Tổng cục Hải quan là phải xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, đồng thời xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Trong năm 2015, ngành đã thực hiện 21 cuộc kiểm tra, thanh tra đối với các chi cục hải quan.

Cục Hải quan TP.HCM cũng đã đưa hệ thống camera giám sát hàng hóa và giám sát khu vực làm thủ tục hải quan vào hoạt động. Việc này góp phần kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức ngành hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ, giao tiếp với DN, người khai hải quan.

Chúng tôi cũng thường xuyên chủ động đối thoại để tìm hiểu các vướng mắc, bức xúc của DN. Đồng thời kiến nghị cấp thẩm quyền hướng dẫn, điều chỉnh, bổ sung quy định mục đích không tạo sơ hở, không để xảy ra tình trạng một quy định có nhiều cách hiểu nhằm hạn chế thấp nhất việc bị lợi dụng để tiêu cực.

. Xin cám ơn ông.

Cục Hải quan TP.HCM những năm qua đã phát hiện, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về hải quan.

Cụ thể, năm 2011 có 10 vụ liên quan 20 cán bộ (cảnh cáo 11 cán bộ, cách chức một cán bộ, thôi việc một cán bộ, khiển trách một chi cục phó…). Năm 2012 có 11 cán bộ, công chức vi phạm (khiển trách hai chi cục phó, cảnh cáo năm cán bộ, công chức, khiển trách ba, hạ lương một). Năm 2013 cảnh cáo sáu cán bộ, công chức. Năm 2014 cảnh cáo hai, khiển trách hai cán bộ. Năm 2015 cảnh cáo bảy cán bộ, công chức.

53% DN phải trả phí bôi trơn khi làm thủ tục hải quan. Đó là thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi khảo sát mức độ hài lòng của DN đối với lĩnh vực hải quan năm 2015.

Đáng chú ý, trên 53% DN được hỏi cho hay đã phải trả những chi phí không chính thức tại Cục Hải quan TP.HCM.

_________________________________

Tội phạm về thuế luôn có tổ chức, thủ đoạn tinh vi

Tội phạm trong các vụ án chiếm đoạt thuế GTGT đều có tổ chức, thực hiện trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, móc nối với các cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu và thuế với quy mô lớn. Hành vi câu kết này đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội và chế độ thuế của Nhà nước nên cần phải xử lý nghiêm minh.

Một lãnh đạo Bộ Công an

NGUYỄN ĐỨC

Trích nguồn: plo.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết