Chi tiết tin

Kiến nghị bỏ quy định luật sư tố thân chủ

Ngày Đăng : 14/06/2017 - 8:35 AM

(PL)- Nếu không tiết lộ thông tin (tố giác) thân chủ thì vi phạm Điều 19 BLHS 2015 mà tiết lộ thì vi phạm Điều 73 BLTTHS 2015 và Điều 9 Luật Luật sư.

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, cho biết: Ngày 12-6, cơ quan này đã có văn bản gửi đến Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội về việc không cần giữ lại khoản 3 Điều 19 BLHS 2015. Văn bản này đưa ra bốn lý do để cho rằng việc bỏ quy định trên là cần thiết.

Lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”

Thứ nhất, nếu giữ lại khoản 3 Điều 19 là chấp nhận một bước thụt lùi trong pháp luật hình sự so với BLHS 1999 (không tố giác tội phạm). Sau gần 20 năm áp dụng BLHS 1999, tình trạng xâm phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội gia tăng không phải xuất phát từ nguyên nhân LS không tố giác khách hàng của mình phạm tội. Không phải luật cũ thiếu khoản 3 này mà chính khoản 3 này là sự đồng hóa LS ngang hàng với những người thân thích của tội phạm. Nó vô hình hạ thấp vai trò, chức năng xã hội của LS, làm cho xã hội ác cảm, xem thường nghề LS và đó là bước thụt lùi so với BLHS 1999.

Thứ hai, quy định tạo sự xung đột với các quy định pháp luật có liên quan mà cụ thể là xung đột ngay với BLTTHS 2015. Theo đó điểm g khoản 2 Điều 73 BLTTHS quy định người bào chữa có nghĩa vụ không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản. Như vậy, nếu quy định rằng LS phải tố thân chủ thì xung đột ngay.

Đồng thời, tại điểm c khoản 1 Điều 9 Luật LS 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định nghiêm cấm LS tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình được biết trong quá trình hành nghề (trừ khi được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác). LS vi phạm nghĩa vụ của mình và điều cấm do pháp luật quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 73 BLTTHS.

Như vậy, sự xung đột pháp luật này đặt LS vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: Không tiết lộ thông tin (tố giác) thì vi phạm khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 mà tiết lộ thông tin thì vi phạm BLTTHS 2015 và Luật LS.

Kiến nghị bỏ quy định luật sư tố thân chủ - ảnh 1

Đoàn Luật sư TP.HCM kiến nghị bỏ quy định luật sư phải tố giác thân chủ. Ảnh  minh họa: T.TÙNG

Chống lại khách hàng

Thứ ba, quy định trên vi phạm đạo đức nghề nghiệp LS, đặt LS vào vị trí là trợ thủ của cơ quan điều tra và VKS. LS là nghề đặc biệt, từ xưa đến nay nghề này tồn tại trên nền tảng là sự tin tưởng tuyệt đối của khách hàng đối với LS, giống như bệnh nhân tin vào bác sĩ. Nếu LS tố giác thân chủ của mình thì khi đó LS trở thành kẻ giấu mặt chống lại khách hàng mình đang bào chữa. Lúc này LS từ bỏ trách nhiệm, chức năng của mình để trở thành cánh tay nối dài của cơ quan điều tra và VKS là hành vi phi đạo đức nghề nghiệp. Điều này chưa bao giờ xảy ra trong suốt quá trình hình thành và phát triển nghề LS.

Thứ tư là quy định sẽ không phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp và phát triển nghề LS ở Việt Nam đến năm 2020 theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị ngày 2-6-2005. Nghị quyết này xác định cải cách tư pháp phải kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc, những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế; đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội trong tương lai.

Trong kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp cũng xác định quan điểm và định hướng phát triển đội ngũ LS đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp...

Từ đó cho thấy việc giữ lại khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 là một bước thụt lùi trong pháp luật hình sự và tạo sự xung đột pháp lý, làm vẩn đục đạo đức nghề nghiệp LS, đi ngược với thông lệ của LS trên thế giới và không phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp đã đề ra.

Mất thế kiềng ba chân

Theo Đoàn LS TP.HCM, lúc còn là chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết (Trưởng ban Cải cách tư pháp Trung ương) đã ví công tố - tòa án- LS là kiềng ba chân của hệ thống tư pháp. Giữ lại khoản 3 Điều 19 là buộc LS phải tố giác khách hàng của mình, do mình bào chữa thì biến LS thành công tố buộc tội chính khách hàng. Lúc này hệ thống tư pháp của nước ta chỉ còn đứng trên hai chân…

KIM PHỤNG
Trích nguồn: plo.vn



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết