Chi tiết tin

Làm gì khi bị CSGT phạt oan bánh xe mòn, biển số mờ?

Ngày Đăng : 24/06/2016 - 7:54 AM

TTO - Theo các luật sư, cần căn cứ vào giấy kiểm định xe để làm cơ sở xác định lốp mòn, đèn hay biển số mờ. Nếu không "tâm phục khẩu phục" khi bị phạt, tài xế có quyền khởi kiện.

Làm gì khi bị CSGT phạt oan bánh xe mòn, biển số mờ?

Nhân viên trạm đăng kiểm 50-02S đo độ sáng đèn phía trước xe - Ảnh: N.Ẩn

Hiện nay nhiều tài xế phản ảnh bị cảnh sát giao thông (CSGT) nhìn bằng mắt, xử phạt cảm tính những lỗi vi phạm như mòn vỏ xe, đèn mờ, biển số mờ với mức phạt lên đến 900.000 đồng. Điều này khiến nhiều tài xế bức xúc nhưng không biết phải làm sao.

Trước thông tin trên, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã có văn bản gởi Bộ Công an, Bộ GTVT đề nghị ban hành hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính về những lỗi như vỏ xe mòn, đèn xe mờ, biển số xe mờ.

Theo đó, các đơn vị thực thi công vụ chỉ đánh giá bằng mắt thường mà không sử dụng các thiết bị đo lường cụ thể làm căn cứ xử phạt là thiếu căn cứ, trong khi các xe đã được cấp giấy kiểm định bảo đảm điều kiện an toàn.

Đồng thời, trong biên bản xử phạt cũng không ghi rõ mức độ vi phạm nên không thuyết phục tài xế và chủ xe...

Tuy nhiên theo quan điểm của các luật sư, đó là những đề nghị có cơ sở cho cấp quản lý nhà nước nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tài xế, doanh nghiệp vận tải. Còn về mặt luật pháp, tài xế nên trang bị những kiến thức cơ bản cho mình để xử lý tình huống xử phạt như trên.

Ghét thì phạt, không thì cho qua?

Luật sư Trương Xuân Tám, ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, cho biết pháp luật luôn phải minh bạch rõ ràng cho mọi người hiểu, thống nhất hành động, khi bị xử lý vi phạm mọi người phải tâm phục khẩu phục.

Nếu nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt không nói rõ thì thông tư của Bộ Công an phải hướng dẫn cho rõ ràng.

Bởi những lỗi như vỏ xe mòn, biển số xe mờ, đèn xe mờ không thể nhìn bằng mắt thường để khẳng định tuyệt đối, mà cần phải sử dụng các thiết bị đánh giá nhằm đảm bảo tính minh bạch, khoa học. Nếu nhìn bằng mắt thường thì trong cùng một điều kiện hoàn cảnh có người nhìn kiểu này, nhìn kiểu khác...

Theo luật sư Tám, kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM là hoàn toàn có cơ sở, cấp quản lý phải lắng nghe bởi xử phạt bằng mắt những lỗi trên luôn theo cảm tính, chủ quan, “ghét thì phạt, không ghét thì cho qua”.

Vì thế, những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nếu bị lập biên bản xử phạt nhưng cảm thấy bị oan khi vỏ xe chưa mòn, đèn, biển số chưa mờ đến mức phải bị phạt thì có thể khiếu nại quyết định xử phạt hành chính lên công an cấp trên hoặc kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng hành chính nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

CSGT phải chứng minh việc xử phạt là đúng

Trong khi đó, luật sư Huỳnh Văn Nông - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng khi bị thổi phạt những lỗi nhạy cảm trên, tài xế cần nêu ra hai vấn đề.

Thứ nhất, xe đã được kiểm định còn thời hạn, việc kiểm định bao gồm cả vỏ xe, đèn xe, biển số xe bằng các thiết bị kỹ thuật tại những trung tâm đăng kiểm.

Thứ hai, theo quy định xử phạt về vi phạm hành chính, cán bộ xử phạt phải có nghĩa vụ chứng minh lỗi vi phạm. Cụ thể ở đây, CSGT phải đem những thiết bị kiểm định xem đèn xe có mờ, vỏ xe có bị mòn hay mòn đến mức độ nào phải bị xử phạt?...

Nếu cảnh sát giao thông vẫn lập biên bản xử phạt thì tài xế nghiêm chỉnh chấp hành, cứ đi nộp phạt nhưng sau đó có quyền khiếu nại quyết định xử phạt.

Nếu cán bộ lập biên bản xử phạt không thể chứng minh được lỗi vi phạm thì tòa tuyên hủy quyết định xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại.

Theo luật sư Nông, văn bản của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM phản ánh sự việc này đáng để cho các cơ quan quản lý xem xét, chấn chỉnh. Nhưng trước mắt, các tài xế cần trang bị kiến thức, thực hiện quyền khởi kiện để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình nếu thấy bị phạt oan.

Trích nguồn: tuoitre.vn
SƠN BÌNH



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết