Chi tiết tin

Mạch máu của cơ thể đô thị

Ngày Đăng : 11/03/2017 - 7:36 AM

TTCT - Vỉa hè và đường là những mạch máu và thành mạch của bất cứ cơ thể đô thị nào.

Bản photo bức tranh biếm họa đầu tiên của họa sĩ Nop, đăng trên Tuổi Trẻ số 112-5, ra ngày 18-11-1977, với đề tài “Chiến dịch sạch sẽ phố phường” theo cách gọi của thời bấy giờ. Nhân vật “đội viên cờ đỏ” cúi đầu, khoanh tay, lễ phép nói với má (người đang bán hàng rong trên vỉa hè): “Dạ thưa má, xin má giúp con hoàn thành nhiệm vụ…”.Khác với đường cao tốc, đường quốc lộ, đường trong đô thị không phải để ưu tiên việc lưu thông với tốc độ cao nhất mà là khả năng kết nối và hấp thụ.

Nếu công năng chính của đường là di chuyển thì công năng chính của vỉa hè là hấp thụ: dòng chảy quá nhanh thì không thể hấp thụ, nhưng nếu ứ trệ thì bộ phận cơ thể ấy không còn được cung cấp dưỡng chất.

Là mạch máu thì việc của nó không phải là đẹp hay gọn gàng, mà là để mọi thứ di chuyển và kết nối thuận lợi; quan trọng hơn, thứ nó vận chuyển phải được tiếp cận nhanh nhất, trực tiếp nhất với mọi tế bào của cơ thể đô thị.

Mọi hình thái đô thị phụ thuộc phương tiện, cách thức di chuyển trong từng thời điểm. Vỉa hè của đô thị thời xe ngựa khác với vỉa hè đô thị di chuyển bằng xe hơi, vỉa hè của đô thị với tàu điện ngầm và giao thông công cộng đương nhiên khác vỉa hè thời đi lại phần lớn bằng xe máy.

Tuy vậy, dù ở hình thái nào, nguyên tắc cơ bản vẫn là phải khai thác tối đa sự di chuyển và khả năng kết nối.

Ở Việt Nam, trong 20 năm trở lại đây và tương lai gần, phương tiện giao thông đô thị bằng xe máy vẫn là chủ yếu.

Bên cạnh mặt trái là công suất chuyên chở hạn chế và là một tác nhân gây ô nhiễm không khí, không thể phủ nhận là không có một loại phương tiện giao thông đô thị nào có khả năng tiếp cận trực tiếp và linh hoạt như xe máy.

Với hình thức giao thông hiện tại thì công năng giao thông phục vụ đi bộ của vỉa hè sẽ trở thành thứ yếu, việc vỉa hè trở thành không gian đệm, phụ trợ cho mọi hoạt động trao đổi, tiếp nhận và trở thành không gian kinh tế mở rộng của phần trong nhà là tất yếu.

Giá trị đất đai, khả năng sinh lời, sự năng động của các tuyến phố đô thị hiện tại là bằng chứng không thể chối cãi cho tính hiệu quả của sự kết nối đó.

Kinh doanh là kinh doanh. Đương nhiên, khi hình thái giao thông thay đổi với sự phát triển của các hệ thống giao thông công cộng, thay thế dần vai trò của phương tiện cá nhân thì việc xem xét lại cấu trúc và công năng của vỉa hè là cần thiết, nhưng chắc chắn đó sẽ không phải là câu chuyện của ngày hôm nay.

Về kinh tế đô thị, mọi cấu trúc, thành tố cấu thành đô thị phải được tính toán trên cơ sở phục vụ tối đa các nhu cầu và tối ưu hóa việc khai thác. Giá trị đất đô thị và chi phí đầu tư cho vỉa hè mà chỉ để phục vụ một nhu cầu công năng tối thiểu như đi bộ là một sự "xài sang" tài sản xã hội và không phát huy được các nguồn lực.

Về quản lý đô thị, vỉa hè là tài sản công cộng, đối tượng duy nhất được sử dụng miễn phí là người tham gia giao thông, mọi đối tượng và hình thức sử dụng khác phải được quản lý và thu phí, trên cơ sở minh bạch về đơn giá và quy định quản lý rõ ràng về những việc được và không được làm trên không gian đó, trên cơ sở cân bằng lợi ích của người thuê và lợi ích chung.

Tóm lại, phương thức di chuyển và hiệu quả kinh tế quyết định hình thái đô thị, không phải mệnh lệnh hành chính hay ý thích của một nhóm thị dân.

Đẹp được, gọn gàng được thì tốt, nhưng để đẹp, vì đẹp và gọn mà cứng nhắc cản trở các động lực phát triển thì là một sự phí phạm tài sản xã hội.

Một vỉa hè thẳng thớm, sạch sẽ, yên bình hay một vỉa hè với tất cả các hoạt động phong phú, sinh động trên đó, chưa xét về kinh tế, chỉ xét về hình ảnh đô thị, thì thứ nào đẹp hơn, nên làm hơn hẳn cũng còn gây nhiều tranh cãi và không thể, cũng như không nên, được xác quyết bằng một mệnh lệnh hành chính đơn giản.

Trích nguồn: tuoitre.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết