Chi tiết tin

Một vụ kiện, ủy ban lẫn tòa đều ‘điên đầu’

Ngày Đăng : 04/06/2016 - 7:37 AM
(PL)- Ban đầu, tòa và UBND huyện “cãi” nhau về thẩm quyền, kế đến ủy ban tỉnh và huyện khác nhau về đường lối và cuối cùng tòa trên, tòa dưới có quan điểm trái ngược nhau.

Ngày 3-6, Thẩm phán Nguyễn Hồng Tuấn, Chánh Tòa Kinh tế TAND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tòa này đã có văn bản kiến nghị TAND Tối cao kháng nghị một bản án hành chính phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Bản án này xử vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Bảy (61 tuổi, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) với người bị kiện là chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa.

Ủy ban và tòa “đá bóng”

Theo hồ sơ, năm 2003 bà Bảy nhận chuyển nhượng lại từ ông Trương Vân thửa đất rộng 576 m2 ở phường Ninh Đa. Hai bên có lập giấy chuyển nhượng nhưng không có xác nhận của chính quyền. Thửa đất này vốn được một người khác khai phá, sử dụng rồi lập giấy chuyển nhượng lại cho ông Vân năm 1993, được chính quyền địa phương xác nhận.

Năm 2006, bà Bảy xây dựng nhà trên thửa đất nói trên để cho thuê. Đến năm 2008, ông Huỳnh Xẹo (ngụ cùng địa phương) có đơn tranh chấp thửa đất này với lý do UBND xã Ninh Đa (nay là phường Ninh Đa) đã cấp cho ông (vì ông hỗ trợ xi măng cho xã để làm công trình phúc lợi). Hòa giải không thành, UBND xã Ninh Đa hướng dẫn ông Xẹo gửi đơn đến UBND huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa).

Tháng 11-2008, theo chỉ đạo của UBND huyện, Phòng TN&MT hướng dẫn ông Xẹo khởi kiện ra TAND huyện. Ngày 5-5-2009, TAND huyện thụ lý vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Xẹo, bị đơn là bà Bảy. Trong quá trình giải quyết, TAND huyện thỉnh thị và được TAND tỉnh trả lời là thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp thuộc UBND huyện.

Tháng 9-2010, TAND huyện chuyển hồ sơ vụ tranh chấp cho UBND huyện và ra quyết định tạm đình chỉ vụ kiện với lý do không thuộc thẩm quyền của tòa. Sau đó, UBND huyện chuyển trả hồ sơ cho TAND huyện với lý do vụ tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Tháng 11-2010, TAND huyện tiếp tục chuyển hồ sơ đề nghị UBND huyện giải quyết. Theo tòa, nguyên đơn chỉ có tên trong sổ mục kê, không có các giấy tờ theo quy định của Luật Đất đai nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.

Tháng 12-2010, UBND thị xã Ninh Hòa có công văn trả lời TAND huyện cho rằng nguyên đơn không có giấy tờ theo quy định của Luật Đất đai nhưng bị đơn lại có giấy tờ nhận chuyển nhượng. Do đó, UBND huyện tiếp tục đề nghị tòa án giải quyết.

Ngày 16-3-2011, TAND thị xã ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ kiện trên. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, chính tòa này bất ngờ ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện cũng với lý do không thuộc thẩm quyền của mình.

Đại diện theo ủy quyền của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (nữ) và đại diện của chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (đứng đầu) tại phiên tòa hành chính phúc thẩm lần một. Ảnh: CTV

UBND huyện và UBND tỉnh chỏi nhau

Dù tòa đã đình chỉ giải quyết vụ kiện nhưng UBND thị xã vẫn không tiếp nhận giải quyết. Đầu tháng 11-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở TN&MT kiểm tra toàn bộ hồ sơ vụ việc. Cuối tháng 11-2011, Sở TN&MT có báo cáo gửi UBND tỉnh xác định thẩm quyền giải quyết thuộc UBND thị xã.

Ngày 12-12-2011, UBND tỉnh có công văn yêu cầu UBND thị xã khẩn trương thụ lý vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 1-1-2012. Đến ngày 13-1-2012, UBND thị xã có công văn gửi UBND tỉnh nêu rõ: Quan điểm của UBND thị xã không thống nhất với Sở TN&MT về thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, UBND tỉnh vẫn tiếp tục yêu cầu UBND thị xã giải quyết.

Vụ việc tiếp tục kéo dài nhùng nhằng gần một năm. Đến ngày 21-12-2012, chủ tịch UBND thị xã ra Quyết định số 3429/QĐ-UBND giải quyết vụ tranh chấp trên, trong đó bác đơn của ông Xẹo, cho phép bà Bảy được sử dụng 200 m2 đất, phần còn lại hơn 300 m2 giao cho UBND xã quản lý.

Không đồng ý với quyết định này, cả bà Bảy và ông Xẹo đều khiếu nại. Ngày 4-4-2014, chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 842/QĐ-UBND sửa một phần quyết định của chủ tịch UBND thị xã. Cụ thể, tỉnh công nhận bà Bảy được sử dụng 200 m2 đất, công nhận trên 300 m2 còn lại là của ông Xẹo.

Vẫn không chấp nhận, ngày 14-4-2014, bà Bảy khởi kiện chủ tịch UBND tỉnh và chủ tịch UBND thị xã ra TAND tỉnh yêu cầu tòa hủy cả hai quyết định trên. Tại các phiên tòa hành chính này, đại diện theo ủy quyền của chủ tịch UBND tỉnh và chủ tịch UBND thị xã tiếp tục có quan điểm trái ngược nhau. Trong khi UBND tỉnh cho rằng phần đất hơn 300 m2 còn lại là của ông Xẹo thì UBND thị xã yêu cầu giao cho UBND phường quản lý.

Tòa trên, tòa dưới cũng ngược quan điểm

Tại phiên tòa sơ thẩm xử vụ kiện hành chính trên hồi tháng 8-2014, TAND tỉnh đã quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án đối với quyết định của chủ tịch UBND thị xã vì hết thời hiệu. Đồng thời, tòa bác yêu cầu của bà Bảy về hủy quyết định của chủ tịch UBND tỉnh.

Đến tháng 9-2014, VKSND Tối cao có quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại. Tháng 12-2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao.

Tháng 6-2015, tại phiên sơ thẩm (lần hai), TAND tỉnh Khánh Hòa vẫn bác toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện. Bà Bảy tiếp tục kháng cáo.

Xử phúc thẩm tháng 12-2015, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên chấp nhận một phần kháng cáo của người khởi kiện, hủy bản án hành chính sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho tòa tỉnh xét xử lại. Tòa phúc thẩm nêu các lý do: Quyết định của chủ tịch UBND tỉnh công nhận cho ông Xẹo hơn 300 m2 nhưng tại thời điểm tranh chấp, bà Bảy đã xây dựng nhà cho thuê trên phần đất này. Thế nhưng UBND các cấp không xem xét giải quyết tài sản trên đất, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Bảy…

Đến nay vụ án này chưa được giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thẩm phán Nguyễn Hồng Tuấn nói: “TAND tỉnh Khánh Hòa không đồng tình với kết quả xét xử của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Bản án phúc thẩm còn nhiều vấn đề phải được xem xét lại. Phán quyết như vậy là khó cho cấp sơ thẩm khi xử lại”.

Vậy là bà Bảy và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan lại phải chờ.

TẤN LỘC

Trích nguồn: plo.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết