Chi tiết tin

Năm 2017, ngành tư pháp gắn kết với cơ sở

Ngày Đăng : 26/12/2017 - 1:35 PM

 

(PL)- TP Hà Nội đề xuất thí điểm việc ủy quyền cho công chức tư pháp cấp xã chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký thay chủ tịch, phó chủ tịch.

Sáng 25-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp tại 63 điểm cầu. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Xây dựng cán bộ chuẩn mực

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, năm 2017 Bộ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện 313 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Qua đó toàn ngành đã hoàn thành 279 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 34 nhiệm vụ (chủ yếu là nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong năm 2018), không có nhiệm vụ quá hạn.

Bộ cũng đã kịp thời trả lời 117/117 kiến nghị của cử tri qua các kỳ họp Quốc hội; 16/16 kiến nghị của người dân, doanh nghiệp theo đúng quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử Chính phủ. “Bộ, ngành tư pháp cũng đã kịp thời hơn trong nắm bắt những bất cập, vướng mắc chuyên môn ở cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn” - ông Phan Chí Hiếu nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng thừa nhận còn tình trạng chậm hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên môn, trả lời kiến nghị của các đơn vị vẫn còn chưa kịp thời, địa phương phải xin hướng dẫn nhiều lần; có trường hợp nội dung hướng dẫn, trả lời còn chung chung.

Cạnh đó, việc kiểm tra công tác ở địa phương vẫn còn tình trạng chồng chéo về nội dung, địa bàn; tổ chức các hội nghị, hội thảo còn tập trung nhiều vào những tháng cuối năm, đã ảnh hưởng đến thời gian giải quyết công việc chung. “Chưa có nhiều cải tiến đáng kể trong công tác báo cáo, thống kê; còn tình trạng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo quá nhiều” - ông Hiếu nói.

Năm 2017, ngành tư pháp gắn kết với cơ sở - ảnh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (giữa) tại hội nghị. Ảnh: ĐỨC MINH

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao thì yếu tố con người - đội ngũ cán bộ tư pháp, giữ vai trò quyết định. Ngành tư pháp cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Chủ tịch nước nói: “Ngành tư pháp cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...”.

Khó thi hành án những vụ án lớn

Một trong những điểm nổi bật của ngành tư pháp năm qua là công tác thi hành án dân sự (THADS) khi đã thi hành xong gần 550.000 việc (đạt tỉ lệ 79,25%) và hơn 35.242 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 38,31%), vượt cả hai chỉ tiêu mà Quốc hội giao.

Tuy vậy, kết quả THA liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng chỉ đạt 27,89%, trong khi số tiền phải thi hành rất lớn (trên 99.000 tỉ đồng, chiếm trên 60% tổng số tiền phải thi hành của toàn hệ thống) nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả THA xong về giá trị.

Điều kiện THA trong những vụ án lớn còn gặp nhiều khó khăn do đa phần tài sản bị che giấu, hợp lý hóa hoặc tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc không có tài sản để THA. Chẳng hạn vụ cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình phải THA hơn 600 tỉ đồng nhưng tài sản bảo đảm THA chỉ có 5 tỉ đồng.

Tuýt còi 156 văn bản

Năm qua Bộ Tư pháp đã kiểm tra 4.462 văn bản, phát hiện 134 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành và 22 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Đã có 62 văn bản có kết luận kiểm tra trong năm 2017 được xử lý.

Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Vũ Quốc Doanh chia sẻ những khó khăn trong THA đối với các vụ án tham nhũng. Ông Doanh dẫn chứng TP.HCM đang thi hành hai vụ Huỳnh Thị Huyền Như và Phạm Công Danh với hơn 26.000 tỉ đồng (chiếm hơn 85% số tiền phải thi hành đối với loại án tham nhũng). Trong khi vụ án Huyền Như có hơn 9.000 tỉ đồng không có điều kiện để THA.

Từ đó ông Doanh kiến nghị Bộ Tư pháp tổ chức họp liên ngành Trung ương, thống nhất về cơ chế THA đối với những vụ việc mà tài sản THA nằm ở các địa phương khác nhau. Cạnh đó, Bộ cần tổ chức sơ kết, đánh giá việc THA các vụ án tham nhũng để rút kinh nghiệm, có chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ khó khăn giúp địa phương.

Ông Doanh cũng nêu thực tế về người phải THA đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam do Bộ Công an quản lý khi THA tống đạt các thông báo, quyết định thì đa số không chịu hợp tác, không nhận quyết định cũng không ủy quyền cho ai. “Bộ Tư pháp làm việc với Bộ Công an để hỗ trợ cho chấp hành viên, khi liên hệ với các trại giam được tạo điều kiện, hoặc họ có thể gửi các thông báo, quyết định qua giám thị trại giam để tống đạt cho các bị cáo, để chấp hành viên không phải liên hệ, đi đến trực tiếp, giảm thời gian và chi phí” - ông Doanh đề xuất.

Công chức tư pháp chứng thực thay chủ tịchxã?

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét, thống nhất với đề xuất của TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng, chấp thuận việc triển khai thí điểm việc ủy quyền cho công chức tư pháp cấp xã được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

Cục trưởng Cục Quốc tịch, hộ tịch và chứng thực Nguyễn Công Khanh ủng hộ: “Cá nhân tôi rất hoan nghênh kiến nghị của UBND TP Hà Nội. Tôi biết Sở Tư pháp đang gấp rút hoàn thiện đề án để xin phép thí điểm cho phép công chức tư pháp hộ tịch được thừa ủy quyền của chủ tịch UBND cấp xã được ký hai loại giấy tờ chứng thực và chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký, trừ chứng thực chữ ký người dịch”.

Theo ông Khanh, việc chứng thực bản sao từ bản chính là công việc đang chiếm rất nhiều thời gian của chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã. Số lượng bản sao không giảm đi mà còn tăng lên. Trong khi lãnh đạo UBND cấp xã, nhất là TP Hà Nội, bận rất nhiều việc. Nếu ủy quyền được thì lãnh đạo cấp xã sẽ giải phóng được nhiều thời gian làm những việc khác quan trọng hơn. Cũng theo ông Khanh, Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ về việc ủy quyền.

ĐỨC MINH - KIM PHỤNG
Nguồn: plo.vn



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết