Chi tiết tin

Nhân chứng giúp ‘chỉnh’ bản cung, được không?

Ngày Đăng : 17/06/2016 - 7:47 AM
(PL)- Đó là tình huống pháp lý xảy ra tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP.HCM trong vụ 31 cán bộ hải quan tiếp tay doanh nghiệp chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng...

Tại phiên tòa này, trong phần xét hỏi ngày 16-6 đã xuất hiện một tình huống pháp lý gây nhiều tranh cãi: Một nữ nhân viên kế toán của Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn (có quyền, nghĩa vụ liên quan, đồng thời là nhân chứng trong vụ án) khai đã giúp điều tra viên (ĐTV) chỉnh sửa biên bản ghi lời khai của các bị can.

Giúp thao tác vi tính

Khi tòa hỏi rõ, nữ nhân viên kế toán này cho biết trong quá trình điều tra, do công ty của chị có liên quan tới vụ án nên chị thường được CQĐT triệu tập đến làm việc. Nhiều lần khi lấy lời khai của bị can, ĐTV đã nhờ chị chỉnh sửa, đánh máy vi tính bản tự khai của họ. Theo chị, chị chỉ giúp ĐTV các thao tác vi tính về Word, Excel chứ không làm thay đổi nội dung biên bản.

Ngay sau đó, luật sư của các bị cáo đã phản ứng, có ý kiến với HĐXX. Theo họ, ĐTV trưng dụng người liên quan chỉnh sửa, đánh máy bản cung của các bị can là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, cần thiết phải hoãn xử, trả hồ sơ điều tra lại để khắc phục.

Tuy nhiên, chủ tọa đã thay mặt HĐXX nêu quan điểm như sau: Tại phiên tòa, mọi người đều nghe rõ nữ nhân viên kế toán khai trong lúc được triệu tập làm việc cùng với các bị can khác, đã giúp ĐTV thao tác chỉnh sửa các bản khai trên máy vi tính về hình thức chứ không làm thay đổi nội dung. Cạnh đó, các bị can đều được đọc lại cho nghe bản khai và không có ý kiến gì. Việc ĐTV nhờ nữ nhân viên kế toán chỉnh bản cung có vi phạm tố tụng hay không, HĐXX sẽ đánh giá khi vào nghị án. Trong quá trình xét xử, nếu cần thiết thì HĐXX sẽ triệu tập ĐTV đến để làm rõ nên HĐXX không hoãn phiên xử theo yêu cầu của các luật sư.


Các bị cáo trong vụ án liên quan đến Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn tại phiên tòa. Ảnh: H.YẾN

Vi phạm hay không, còn tranh cãi

Xung quanh tình huống này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia cũng có những quan điểm khác nhau.

Luồng quan điểm thứ nhất viện dẫn quy định tại Điều 95 và Điều 12 BLTTHS hiện hành để cho rằng đã có vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong tình huống trên. Cụ thể, theo hai điều luật này thì mỗi lần hỏi cung bị can đều phải lập biên bản. Biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm ĐTV tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can. Sau khi hỏi cung, ĐTV đọc lại biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trong trường hợp có bổ sung và sửa chữa biên bản thì bị can và ĐTV cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang của biên bản. Trong trường hợp bị can tự viết lời khai thì ĐTV và bị can cùng ký xác nhận tờ khai đó...

Ở đây, ĐTV đã tự ý chỉnh sửa biên bản mà không có chữ ký của bị can nên dù chỉ sửa chữa về hình thức cũng là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cạnh đó, việc ĐTV nhờ người liên quan, đồng thời là nhân chứng trong vụ án (nữ nhân viên kế toán) thao tác chỉnh sửa trong lúc lấy lời khai các bị can có thể làm lộ bí mật điều tra.

Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) cũng cho rằng chưa kể đến việc nữ nhân viên kế toán và các bị can khác có mâu thuẫn về quyền lợi hay không, việc ĐTV nhờ nữ nhân viên kế toán chỉnh sửa giúp biên bản là không ổn. Việc “thân thiện” giữa đôi bên tạo sự không vô tư, khách quan cũng như tâm lý bị can khi lấy lời khai bị ảnh hưởng.

Ngược lại, TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét nếu chỉ là thao tác vi tính chỉnh sửa hình thức biên bản thì chưa thể cho là vi phạm tố tụng. Bởi lẽ lời khai đó đã được đọc lại cho bị can nghe và có ý kiến. Theo TS Tuấn, việc chỉnh sửa hình thức biên bản không quan trọng bằng việc lời khai đó được bị can xác định là của mình, ký tên và không có ý kiến khác.

Tiếp tay doanh nghiệp lừa tiền hoàn thuế

Như chúng tôi đã thông tin, từ ngày 8 đến 28-6, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm vụ án có số cán bộ hải quan cùng hầu tòa nhiều nhất từ trước đến nay (31 trong tổng số 46 bị cáo) vì tiếp tay doanh nghiệp chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

Cáo trạng truy tố Trần Thị Bích Tuyền (giám đốc Công ty TNHH Lam Tuyền và TNHH Đại Đắc Tài) về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu và đưa hối lộ; Lê Dũng (nguyên giám đốc Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn, có 51% vốn nhà nước) và năm thuộc cấp về các tội buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... 31 cán bộ hải quan bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nhiều bị cáo khác là chủ doanh nghiệp, lao động tự do bị truy tố về các tội buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, môi giới hối lộ.

Theo cáo trạng, Tuyền bàn với Lâm Tuấn Phát (giám đốc Công ty CP Cảnh Phong) lập hồ sơ khống xuất khẩu hàng sang Campuchia rồi sử dụng làm hồ sơ xin hoàn thuế GTGT. Tuyền và Phát đặt vấn đề “hợp tác” với Dũng. Từ tháng 5-2011 đến tháng 9-2013, Dũng ký 145 hợp đồng ngoại thương khống với nội dung bán thuốc lá và các mặt hàng thực phẩm khác cho Tuyền thông qua pháp nhân của hai doanh nghiệp mà Tuyền quen biết ở Campuchia. Tổng giá trị các hợp đồng là 1.375 tỉ đồng, thuế GTGT là hơn 134,5 tỉ đồng. Sau đó, Tuyền, Dũng và đồng phạm đã lập hồ sơ xin hoàn thuế 80,3 tỉ đồng bỏ túi. Một số cán bộ hải quan đã tiếp tay giúp Tuyền, Dũng hợp thức hóa các thủ tục trên...

Theo luật mới, dễ chứng minh

Kể từ 1-7-2016 (ngày BLTTHS 2015 có hiệu lực), với việc khi hỏi cung bị can phải ghi âm, ghi hình theo quy định của bộ luật mới thì sẽ dễ dàng chứng minh được là nội dung biên bản ghi lời khai của bị can có trùng khớp với thực tế diễn ra khi lấy cung hay không.

TS PHAN ANH TUẤNTrường ĐH Luật TP.HCM

HOÀNG YẾN

Trích nguồn: plo.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết