Chi tiết tin

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/2/2017 cần chú ý

Ngày Đăng : 23/02/2017 - 8:32 AM

Từ 1/2/2017, một số quy định mới trong các lĩnh vực lao động, tiền lương và một số lĩnh vực dân sinh khác chính thức có hiệu lực pháp luật.

1. Mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH 2017

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành vào ngày 28/12/2016.

Theo đó, mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH năm 2017 là 1.00.

Thông tư này bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2017 và các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01/01/2017.

Hình ảnh minh họa.

2. Mức hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Kể từ ngày 12/02/2017, Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành dự án phát triển kinh tế - xã hội bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, các đối tượng nêu trên có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng điều kiện và được cấp thẻ đào tạo nghề được cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận, tổ chức đào tạo và chi hỗ trợ như sau:

- Chi hỗ trợ đào tạo theo Điều 10 Thông tư 152/2016/TT-BTC .

- Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học.

- Mức hỗ trợ tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.

Trong đó, ưu tiên chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của thẻ, giá trị còn lại của thẻ chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.

Trường hợp tổng chi hỗ trợ vượt quá giá trị tối đa của thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu thấp hơn giá trị của thẻ thì NSNN quyết toán số chi thực tế.

Kể từ ngày 01/9/2015, thanh niên đăng ký tham gia đào tạo nghề được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Thời gian huấn luyện lần đầu về an toàn, vệ sinh lao động

Từ ngày 20/02/2017, Thông tư 02/2017/TT-BQP quy định về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, thời gian huấn luyện lần đầu được quy định như sau:

- Ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra đối với nhóm 1, nhóm 4.

- Ít nhất là 48 giờ, bao gồm cả thời gian huấn luyện lý thuyết, thực hành và kiểm tra đối với nhóm 2.

- Ít nhất là 24 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra đối với nhóm 3.

- Ít nhất là 56 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra (Trong đó, thời gian huấn luyện cấp Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn y tế lao động ít nhất là 40 giờ, nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động ít nhất là 16 giờ) đối với nhóm 5.

- Ít nhất là 4 giờ ngoài nội dung đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động đối với nhóm 6.

4. Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài từ ngày 01/02/2017

Đây là quy định tại Nghị quyết 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Hình ảnh minh họa.

Theo đó, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được cấp thị thực điện tử nếu:

- Có hộ chiếu và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh.

- Là công dân của nước có đủ các điều kiện sau:

+ Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;

+ Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ;

+ Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng và không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp.

Thị thực có giá trị nhập cảnh một lần và thời hạn là không quá 30 ngày.

Danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập, xuất cảnh bằng thị thực điện tử do Chính phủ công bố.

5. Phạt đến 10 triệu đồng nếu chở hàng hóa không che chắn

Đây là mức phạt mới tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hình ảnh minh họa.

Theo đó, tăng mạnh mức tiền phạt đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, cụ thể:

- Phạt tiền từ 7 triệu đến 10 triệu đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.

- Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.

6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban thanh tra nhân dân cấp xã

Nghị định 159/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được ban hành ngày 29/11/2016.

Theo đó, Trưởng Ban thanh tra nhân dân (Ban TTND) xã, phường, thị trấn có được giao các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Triệu tập, chủ trì các cuộc họp, hội nghị; chủ trì các cuộc giám sát, xác minh thuộc thẩm quyền của Ban TTND.

- Phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban TTND.

- Đại diện cho Ban TTND trong mối quan hệ với Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBND, Thường trực HĐND cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;

- Được mời tham dự các cuộc họp của HĐND, UBND xã, phường, thị trấn có nội dung liên quan đến nhiệm vụ giám sát, xác minh của Ban TTND;

- Tham dự các cuộc họp của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn có nội dung có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ban TTND.

P.V

Trích nguồn: nguoiduatin.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết