Chi tiết tin

‘Quậy’ tòa, bị xử ra sao?

Ngày Đăng : 22/06/2016 - 7:49 AM
(PL)- Theo BLTTHS 2015, người vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tại lớp tập huấn chuyên sâu về bảy đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp có hiệu lực từ ngày 1-7 tới do Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM vừa tổ chức, TS Nguyễn Thị Thủy (Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND Tối cao) cho biết: Để đảm bảo việc giải quyết án đúng đắn, Điều 466 BLTTHS 2015 quy định về 12 nhóm hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự. Tùy mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp giải, dẫn giải, phạt cảnh cáo, phạt tiền, tạm giữ hành chính, buộc khắc phục hậu quả hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

12 nhóm hành vi vi phạm

Cụ thể, đó là các hành vi: Làm giả, hủy hoại chứng cứ gây trở ngại cho việc giải quyết vụ việc, vụ án. Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật. Từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu, đồ vật. Người giám định, người định giá tài sản kết luận gian dối hoặc từ chối kết luận giám định, định giá tài sản mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Cạnh đó, các hành vi sau cũng bị xử lý: Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối. Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại khai báo gian dối. Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định, người định giá tài sản thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định, người định giá tài sản kết luận sai với sự thật khách quan. Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch, người dịch thuật thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch, người dịch thuật dịch gian dối. Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia tố tụng.

Một vụ người nhà bị cáo la lối làm náo loạn phòng xử. Ảnh: PL

Ngoài ra, các hành vi sau cũng sẽ bị nghiêm trị: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng. Ngăn cản việc cấp, giao, nhận hoặc thông báo văn bản tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Vi phạm nội quy phiên tòa: Coi chừng bị tội

Thời gian qua, chuyện bị cáo, thân nhân bị cáo, phía bị hại… có những hành vi manh động, đe dọa, hành hung người tiến hành tố tụng hay luật sư, gây rối trật tự phiên tòa… đã từng xảy ra.

Theo TS Thủy, để hạn chế, Điều 467 BLTTHS 2015 quy định người vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự phiên tòa. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì HĐXX có quyền khởi tố vụ án hình sự. Các quy định trên cũng được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm tại phiên họp của tòa.

Điều 468 BLTTHS 2015 cũng quy định rõ hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và pháp luật khác có liên quan.

Bị can, bị cáo có quyền thu thập chứng cứ

Cũng theo TS Nguyễn Thị Thủy, nhằm tăng cường tranh tụng, bảo đảm sự công bằng trong quá trình chứng minh vụ án, BLTTHS 2015 bổ sung quy định người bị buộc tội, người bào chữa và một số người tham gia tố tụng khác cũng có quyền thu thập chứng cứ thay vì chỉ là các cơ quan tố tụng như luật hiện hành. Đây là một quyền mới rất đáng chú ý vì nó giúp người bị buộc tội, người bào chữa của họ thu thập chứng cứ chứng minh họ vô tội hoặc có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Để tháo gỡ vướng mắc, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu hội nhập quốc tế, BLTTHS 2015 bổ sung nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử, kết luận định giá tài sản, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đặc biệt, luật mới bổ sung quy định về loại trừ chứng cứ như sau: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự thủ tục do bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý, không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.

Bảo vệ người tố giác tội phạm

BLTTHS 2015 đã bổ sung một chương mới quy định về việc bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Theo đó, người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại, người tham gia tố tụng khác sẽ được cơ quan chức năng bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ. Việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ bị hạn chế. Ngoài ra, việc di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập, thay đổi tung tích, lai lịch, đặc điểm nhận dạng của người được bảo vệ cũng được áp dụng.

LỆ TRINH

Trích nguồn: plo.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết