Chi tiết tin

Sở Tư pháp phản hồi về giả mạo trong công chứng

Ngày Đăng : 09/11/2020 - 8:50 AM

 

(PLO)- Sở Tư pháp TP.HCM đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý việc giả người, dùng giấy tờ giả trong công chứng.

 

 

Số báo ngày 7-11, Pháp Luật TP.HCM thông tin VKSND TP.HCM kiến nghị với Sở Tư pháp TP.HCM về việc chấn chỉnh hoạt động công chứng trên địa bàn TP. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết ngay sau khi nhận được công văn kiến nghị nêu trên, Sở Tư pháp TP đã có công văn phản hồi.

Sở Tư pháp phản hồi về giả mạo trong công chứng  - ảnh 1
Người dân đang thực hiện giao dịch tại Phòng Công chứng số 1. Ảnh: KIM PHỤNG

Nhiều kế hoạch cụ thể
Theo Sở Tư pháp TP, thời gian qua, để đối phó với tình trạng các đối tượng giả người, sử dụng giấy tờ giả yêu cầu công chứng để thực hiện hành vi phạm tội, sở đã chủ động về mặt quản lý nhà nước. 
Cụ thể, sở đã tham mưu cho UBND TP ban hành Quyết định số 1198 ngày 29-3-2018 về ban hành quy chế cung cấp thông tin, khai thác, sử dụng, quản lý cơ sở dữ liệu công chứng điện tử tại TP.HCM.
 Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng đối với việc vận hành của cơ sở dữ liệu công chứng điện tử, nơi cung cấp các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.
Sở đã tổ chức triển khai, thực hiện Công văn số 4724 ngày 13-11-2019 của UBND TP về tăng cường quản lý nhà nước, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản. Sở cũng phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cá nhân, tổ chức lưu ý khi ký kết hợp đồng, giao dịch. Việc này nhằm nâng cao nhận thức, sự cảnh giác của người dân, hạn chế rủi ro trong việc ký kết hợp đồng, giao dịch.
Sở cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác công chứng, chứng thực cho cán bộ tư pháp, công chứng viên trên địa bàn TP. Trong đó chú trọng bồi dưỡng chuyên đề về các giải pháp phòng ngừa, xử lý tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng, chứng thực. 
Cạnh đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội Công chứng viên TP mời đại diện Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP tập huấn chuyên đề “Phương pháp và kỹ năng nhận biết chữ ký, tài liệu, người giả mạo”. 
Riêng sở cũng đã ban hành kế hoạch về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình. Trên cơ sở kế hoạch này, sở đang hoàn chỉnh chuyên đề “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Tư pháp: Công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, thừa phát lại, trọng tài thương mại”. 
Phối hợp “trị” nạn giả người, giả giấy 
Sở Tư pháp TP xây dựng liên thông cơ sở dữ liệu công chứng, đất đai với Sở TN&MT TP nhằm cung cấp dữ liệu thật cho hệ thống công chứng. Mục đích là để giảm thiểu tình trạng lọt giấy tờ giả, gây thiệt hại cho những người liên quan và đảm bảo an toàn cho công chứng viên. 
Sở đã chủ động phối hợp với Sở TN&MT, Sở TT&TT nghiên cứu, xây dựng cơ chế liên thông cơ sở dữ liệu công chứng, đất đai. 
Ngày 29-10 vừa qua, Sở Tư pháp, Sở TN&MT cùng Sở TT&TT ký kết kế hoạch liên tịch về kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính tại TP.HCM. Kế hoạch này nhằm tăng cường quản lý nhà nước, phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản. 
Sở Tư pháp TP cũng thường xuyên quán triệt với các tổ chức hành nghề công chứng về cách xử lý. Theo đó, khi phát hiện hồ sơ công chứng có dấu hiệu giả mạo thì các tổ chức hành nghề công chứng chuyển hồ sơ và tài liệu liên quan đến Cơ quan CSĐT Công an TP để điều tra, xử lý theo quy định.
Hằng năm, căn cứ theo kế hoạch hoặc yêu cầu đột xuất, Thanh tra Sở Tư pháp đều thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng. Từ đây sẽ kịp thời xử lý khi phát hiện các vi phạm của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng. Sở tăng cường xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi giả mạo người yêu cầu công chứng, chuyển hồ sơ đến công an những vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định.
Trong văn bản phản hồi cho VKSND TP, Sở Tư pháp cho biết đã chủ động làm nhiều việc để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng. Tuy nhiên, do đặc thù TP.HCM có dân số đông, số lượng hợp đồng, giao dịch là rất lớn nên vẫn còn trường hợp giả người hoặc sử dụng giấy tờ giả nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời. 
Sở Tư pháp ghi nhận các kiến nghị của VKSND TP để tiếp tục đề ra các giải pháp và triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Dự thảo về chống giả mạo trong công chứng

 Sở Tư pháp đã xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức tọa đàm về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống giả mạo giấy tờ, chủ thể trong hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn TP.HCM. Dự thảo này có sự tham gia của công an, TAND, VKSND, Hội Công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan, đơn vị liên quan. 

Mục đích nhằm góp phần chấn chỉnh, khắc phục tình trạng sử dụng giấy tờ giả, người giả ngày càng phổ biến, tinh vi như hiện nay; nâng cao sự cảnh giác, kỹ năng phát hiện giấy tờ giả cho công chứng viên. Kế hoạch đang được lấy ý kiến góp ý của Hội Công chứng viên trước khi trình UBND TP ban hành. 

 

KIM PHỤNG
Theo: plo.vn



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết