Chi tiết tin

Thông tư của Bộ TN&MT: Bất ngờ về hai ý kiến

Ngày Đăng : 30/08/2019 - 7:59 AM

 

(PL)- Liên quan đến các quy định về điều kiện “trực tiếp sản xuất nông nghiệp” trong thủ tục nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa, hai giảng viên đại học dạy Luật Đất đai có hai ý kiến khác nhau.

 

ThS Châu Hoàng Thân (ảnh), giảng viên khoa Luật, ĐH Cần Thơ, khẳng định: “Người muốn nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa bắt buộc phải đang sử dụng đất nông nghiệp”.

Ông phân tích: Theo quy định của khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì có hai điều kiện để xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đó là “đã được giao, cho thuê, công nhận hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp” và “có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó”.

Với “đã được…” thì có thể hiểu hiện nay không có đất mà là đã được giao, cho thuê, công nhận hoặc nhận chuyển quyền trước đó. Tuy nhiên, gắn kết điều kiện thứ hai là “có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó” thì “ổn định” được hiểu là được duy trì từ khi có đất đến nay. Hơn thế nữa, cụm từ “trực tiếp sản xuất” sẽ được hiểu là đang thực hiện hoạt động canh tác, sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, đối tượng phải đang có đất thì mới được xác định là trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Thông tư của Bộ TN&MT: Bất ngờ về hai ý kiến - ảnh 1
Khi giải quyết hồ sơ chuyển nhượng đất trồng lúa thì cần hiểu rõ quy định và những hướng dẫn liên quan, không nên áp dụng sai mà làm khó cho dân. Trong ảnh: Người dân thu hoạch lúa ở Hậu Giang. Ảnh: TIẾN QUÂN

. Phóng viên: Nhiều UBND cấp xã đã căn cứ vào sổ đỏ đất nông nghiệp của người mua để xác nhận về việc đang sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, họ đã tự suy để xác nhận là có thu nhập ổn định trên đất nông nghiệp đó. Lại có UBND xã chỉ xác nhận về việc có đất nông nghiệp và không xác nhận về việc có thu nhập khiến người mua không được sang tên đất. Ông đánh giá sao về các khác biệt này?

Thông tư của Bộ TN&MT: Bất ngờ về hai ý kiến - ảnh 2
ThS Châu Hoàng Thân

+ ThS Châu Hoàng Thân: Nghị định 01/2017 giải quyết được vấn đề ai là chủ thể xác nhận nhưng đối với trường hợp đất một nơi, người sử dụng đất ở nơi khác thì việc giao cho hai địa phương xác nhận sẽ gây nhiều khó khăn trong thủ tục xác nhận. Bởi lẽ có sự cách xa về địa lý, thậm chí hàng trăm cây số.

Thực chất, chỉ từ xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất về việc sử dụng đất nông nghiệp thì không thể UBND cấp xã nơi có hộ khẩu có đủ căn cứ để xác nhận hộ gia đình, cá nhân có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.

Những quy định thiếu rõ ràng về căn cứ xác nhận rất dễ dẫn đến tiêu cực và sự không khách quan trong quản lý, gây nhiều phiền toái khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng, tặng cho.

. Cũng có nhiều nơi cho là chỉ cần người mua không thuộc bốn đối tượng của Thông tư 33/2017 của Bộ TN&MT. Ý kiến của ông về việc này?

+ Khi cụ thể hóa tiêu chí để xác nhận trực tiếp sản xuất nông nghiệp đối với cá nhân, hộ gia đình, Thông tư 33/2017 đã thêm vào hai nội dung dành cho cá nhân không có trong khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai. Gồm có: Đối tượng đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa được Nhà nước công nhận; quy định thêm tiêu chí là “không thuộc đối tượng hưởng lương thường xuyên” trong khi đối tượng này rất rộng, không chỉ là cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với hộ gia đình, thông tư bổ sung căn cứ xác nhận là: “Có ít nhất một thành viên của hộ gia đình không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội”. Điều này không hợp lý vì nếu đa số thành viên trong hộ đều là công chức, viên chức mà chỉ cần có một người thuộc các đối tượng trên lại được xác nhận cả hộ là trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Cách hiểu khi đi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa thì không cần đang có đất nông nghiệp là cách hiểu đúng với quy định của Thông tư 33/2017. Thế nhưng như tôi đã phân tích, quy định về việc không thuộc bốn đối tượng là bất hợp lý và trái với quy định tại khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai.

TS PHẠM VĂN VÕ, Phó Trưởng khoa Luật thương mại, Chủ nhiệm bộ môn Luật đất đai - môi trường Trường ĐH Luật TP.HCM:

Không cần có xác nhận đang sản xuất đất nông nghiệp

 

Luật Đất đai có quy định cấm các hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp được chuyển nhượng đất trồng lúa. Theo tôi, việc ra quy định này là không cần thiết, tuy nhiên Quốc hội đã đưa vào thì phải thực hiện. Chính vì thế, nối tiếp quy định trên thì Chính phủ và Bộ TN&MT đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể liên quan đến những vấn đề về việc xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp cho riêng trường hợp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Cụ thể, bộ này đã đưa ra hướng dẫn tại Thông tư 33/2017 nhằm mục đích đơn giản hóa những điều kiện mà Luật Đất đai quy định.

Tại Điều 3 Thông tư 33/2017 quy định việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa thì chỉ cần xác định là không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; không thuộc đối tượng đã nghỉ hưu, không thuộc đối tượng nghỉ mất sức lao động và không thuộc đối tượng thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội.

Thế thì hộ gia đình, cá nhân chỉ cần địa phương xác nhận mình thuộc một trong những đối tượng nêu trên là có thể đáp ứng đủ điều kiện xác định là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để chuyển nhượng đất trồng lúa.

Riêng đối với những trường hợp như giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân hoặc công nhận đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, thu hồi đất nông nghiệp cần xác định đối tượng được bồi thường, hỗ trợ thì mới cần xác nhận người dân đang trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ đất nông nghiệp.

Chính vì thế, khi giải quyết hồ sơ chuyển nhượng đất trồng lúa thì cần hiểu rõ quy định, những hướng dẫn liên quan và không nên áp dụng sai mà làm khó cho dân.

Tóm lại, tôi cho là Thông tư 33/2017 không trái với Luật Đất đai mà chỉ hướng dẫn và điều kiện xác định để địa phương dễ thực hiện hơn thôi.

Nếu việc chuyển nhượng đất trồng lúa mà cần phải có xác nhận đang sản xuất đất nông nghiệp như một số địa phương đang làm thì chẳng lẽ những người dân chưa từng sản xuất đất nông nghiệp lại bị hạn chế quyền chuyển nhượng hay sao. 

Đòi hỏi đã nêu của Luật Đất đai nhằm mục đích bảo vệ quỹ đất trồng lúa với mong muốn đất trồng lúa chỉ do người nào trực tiếp canh tác nông nghiệp nắm giữ nó. Đây là cách hiểu rất hạn chế, nhất là trong bối cảnh chúng ta khuyến khích sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Trước mắt, phải sửa đổi quy định cho thống nhất về việc xác nhận trực tiếp sản xuất nông nghiệp để nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa. Cụ thể, tiêu chí về bốn đối tượng dành cho cá nhân và hộ gia đình trong Thông tư 33/2017 cần được bãi bỏ.

Về thẩm quyền xác nhận, chỉ cần giao cho UBND cấp xã nơi có đất xác nhận trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không cần qua UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

ThS  CHÂU HOÀNG THÂN, giảng viên khoa Luật, ĐH Cần Thơ 

 

TRÚC PHƯƠNG - NGUYỄN HIỀN
Nguồn: plo.vn



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết