Chi tiết tin

Thua kiện vẫn thầm cảm ơn thẩm phán

Ngày Đăng : 31/12/2016 - 7:31 AM
(PL)- Người thẩm phán tình cờ gặp lại bị đơn đang bán vé số dạo, chặn xe rồi nói lời cảm ơn ông mà bấy lâu không có dịp.

Đây có lẽ là khoảnh khắc và hình ảnh mà thẩm phán T. sẽ còn nhớ mãi. Người bán vé số đó chính là người mà sau phiên hòa giải thành không còn một đồng bạc do phải trả nợ hàng tỉ đồng cho nhiều người. Vì sao bị xử trắng tay mà vẫn cảm ơn thẩm phán, chúng tôi hỏi. Thẩm phán T. mỉm cười: “Đó là vì tôi đã không làm ông ấy mất niềm tin vào công lý!”.

Linh cảm nghề nghiệp

Lần giở lại ký ức, Thẩm phán T. kể đó là một vụ tranh chấp dân sự. Bị đơn là cặp vợ chồng kinh doanh các loại đá quý. Họ là người chuyên đi thu mua những khối đá mang về chế tác, mài dũa tạo ra các vòng, nhẫn đeo tay bóng bẩy, sắc nét và có giá trị. Nhưng ai có tìm hiểu về nghề đó mới biết không phải khối đá nào cũng có thể cho ra những sản phẩm tốt. Có khi thu mua về nhiều nhưng không may mắn có những hòn đá không chất lượng thì sản phẩm làm ra không thể đẹp và giá trị. Và họ đã rơi vào trường hợp không may mắn đó. Đổ bao nhiêu tiền tìm kiếm những khối đá nhưng kết quả là việc kinh doanh không thành công.

Hậu quả của việc đó là tiền trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Họ bắt đầu vay mượn nhiều nơi. Đến một ngày nọ, ngôi nhà vợ chồng chắt chiu dành dụm cũng bị một con nợ thu tóm bằng cách làm hợp đồng mua bán nhằm mục đích cấn trừ nợ. Nhưng khi việc chuyển nhượng nhà còn ít ngày nữa là hoàn tất thì cũng là lúc các chủ nợ khác nộp đơn khởi kiện ra tòa. Thụ lý và giải quyết hồ sơ vụ kiện, Thẩm phán T. xác định người mua nhà tham gia vụ án với tư cách là người liên quan.

Cảm thấy có gì đó không ổn, ông đã nhiều lần mời bên các đương sự lên lấy lời khai để nắm bắt thông tin. Phía người mua nhà cho rằng vợ chồng bị đơn bán căn nhà để lấy tiền trả nợ, quá trình việc mua bán diễn ra đúng thủ tục pháp luật. Trong khi vợ chồng bị đơn có thừa nhận thiếu nợ nhiều người nhưng việc bán nhà là do bị ép để cấn trừ nợ cho người mua.

Vậy là những nghi vấn của Thẩm phán T. đã dần lộ rõ. Trong quá trình làm việc, ông đặc biệt để ý đến một chi tiết đó là người mua nhà là một phụ nữ người Ấn Độ. Bà này có thể giao tiếp tốt nhưng không biết viết tiếng Việt nên đi đâu cũng phải có một trợ lý người Việt đi cùng. Người giúp việc này ghi chép, tính toán mọi thứ và đều ghi thành biên bản. Theo trình bày của người chồng, mọi khoản nợ của vợ chồng ông cũng đều được người này ghi chép lại đầy đủ. Nghe nói xong, nhanh trí, thẩm phán hỏi: “Thế tờ giấy đó giờ ở đâu?”. Suy nghĩ chút, người chồng nói: “Tui để nó ở đâu đó trong nhà không nhớ”. May mắn, sau đó bị đơn đã tìm được tờ giấy ngày tất toán nợ đem giao cho Thẩm phán T.

 

Thua kiện vẫn thầm cảm ơn thẩm phán - ảnh 1

 

Trắng tay nhưng vẫn vui cười

Ít hôm sau Thẩm phán T. mời bên mua nhà gồm người phụ nữ gốc Ấn Độ cùng trợ lý riêng lên làm việc. Ông T. đã gợi lại câu chuyện và mong muốn bên mua khai lại cho đúng sự thật nhưng thất bại.

Thế rồi ông T. nghĩ phải dùng chiêu khiến người trợ lý khai đúng sự thật. Ông mời người phụ nữ Ấn Độ ra ngoài chờ, trong phòng ông đề nghị người trợ lý viết một tờ giấy theo những gì ông đọc. Thẩm phán T. cố tình đọc lại tất cả nội dung trong tờ giấy nợ và yêu cầu người trợ lý ghi lại, kết thúc là dòng chữ: “Tôi viết những dòng này trước mặt Thẩm phán T.”. Thẩm phán T. hỏi đây có phải là khoản nợ vợ chồng bị đơn thiếu không, người trợ lý vẫn chối. Lập tức ông T. chìa tấm giấy nợ mà người chồng giao nộp lúc trước thấy nét chữ y chang nhau. Kèm theo đó là những lời phân tích khơi gợi sự tự giác của người trợ lý.

Kết quả là người trợ lý đã trình bày lại với Thẩm phán T. toàn bộ sự thật về việc mua bán nhà nhằm mục đích cấn trừ nợ. Lúc này uẩn khúc của vụ án đã được sáng tỏ, nút thắt được giải quyết chính từ những người liên quan. Sau khi được trợ lý phân giải thì người phụ nữ Ấn Độ cũng thay đổi lời khai. Và một phương án hòa giải được Thẩm phán T. đưa ra. Chủ nợ người Ấn Độ được lấy căn nhà nhưng phải trả nợ cho các chủ nợ khác là nguyên đơn trong vụ án. Phần tiền của tất cả chủ nợ kiện đòi họ cũng được lấy lại tương đối như họ mong muốn.

Phiên hòa giải tại tòa sau đó đã được tất cả các bên đồng ý nhưng mừng nhất là vợ chồng bị đơn. Dù họ trắng tay nhưng vẫn vui vẻ vì tài sản duy nhất của mình đã được Thẩm phán T. khéo léo “định giá” để trả cho tất cả người họ đã nợ. Còn với Thẩm phán T., vụ án tưởng chừng như khó khăn phải đem ra xét xử và có thể kéo dài nhiều năm cuối cùng lại được kết thúc tốt đẹp. Vụ án không lớn nhưng nếu người thẩm phán không tinh ý, khéo léo lật lại các chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật khách quan thì nhiều người đã phải ngậm ngùi, mất niềm tin vào công lý.

Chúng tôi hình dung được tình người trong nụ cười hiền của người thẩm phán khi kết thúc câu chuyện. Đó chính là món quà mà bất cứ người nào mặc chiếc áo choàng đen ngồi trên bục xét xử cũng muốn nhận.

HOÀNG YẾN
Trích nguồn: plo.vn



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết