Chi tiết tin

Tòa buộc luật sư trả tiền cho thân chủ

Ngày Đăng : 29/12/2016 - 7:37 AM
(PL)- Theo HĐXX, nguyên đơn trình bày có thỏa thuận về việc luật sư nhận bào chữa cho em trai ông để tòa xử án treo là đúng sự thật. Thỏa thuận này vi phạm pháp luật nên hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa hai bên vô hiệu…
Ngày 27-12, TAND TP Long Xuyên (An Giang) đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa ông Trần Thanh Toàn (ngụ Trà Vinh, nguyên đơn) và luật sư (LS) NTBX (ngụ An Giang, bị đơn).

 

Hợp đồng ghi thêm chữ “án treo”

Tại phiên tòa, ông Toàn trình bày: Em trai của ông bị các cơ quan tố tụng huyện Tịnh Biên (An Giang) khởi tố, truy tố về hành vi buôn bán hàng cấm. Vì vậy, ngày 6-8-2014, ông gặp bà X. (LS thuộc Văn phòng LS TB, Đoàn LS tỉnh An Giang) đặt vấn đề bào chữa cho em ông.

Cùng ngày, ông và bà X. đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, nội dung là bà X. bào chữa cho em ông được hưởng án treo với số tiền 120 triệu đồng. Lúc đầu, do hợp đồng đánh máy không thể hiện kết quả án treo nên ông không đồng ý ký. Sau khi bà X. viết tay thêm chữ án treo vào hợp đồng thì ông mới đồng ý ký tên. Sau đó, ông đã giao tiền cho bà X. trong hai đợt, tổng cộng là 80 triệu đồng, 40 triệu đồng còn lại thì hẹn khi có bản án sẽ giao nốt.

Tháng 11-2014, TAND huyện Tịnh Biên xử sơ thẩm đã phạt em trai ông Toàn một năm sáu tháng tù. Theo ông Toàn, do thấy bà X. không thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký nên ông khởi kiện yêu cầu bà X. phải hoàn trả 68 triệu đồng (ông đã khấu trừ cho bà X. 12 triệu đồng chi phí đi lại).

Bà X. thừa nhận có nhận lời bào chữa cho em trai ông Toàn, hợp đồng dịch vụ nêu trên được ký giữa bà và ông Toàn. Tuy nhiên, bà khẳng định không thỏa thuận kết quả án treo như nguyên đơn trình bày. Sở dĩ bà có ghi thêm chữ án treo vào hợp đồng là do ông Toàn yêu cầu bà để trấn an tinh thần cho mẹ của ông. Bà X. cho rằng mình có sơ suất khi không hủy hợp đồng trên mà lại tin vào thỏa thuận miệng để ghi thêm vào...

Theo bà X., ngoài hợp đồng đã ký nói trên thì hai bên còn thỏa thuận miệng. Nội dung hợp đồng thể hiện giá dịch vụ là 120 triệu đồng nhưng thực tế sau khi ký thì bà chỉ nhận 50 triệu đồng. Số tiền này bà đã lo làm thủ tục cho em trai ông Toàn được tại ngoại theo quy định của pháp luật. Số tiền 30 triệu đồng sau đó là để bào chữa cho em trai ông Toàn tại phiên tòa sơ thẩm. Bà đã làm hết trách nhiệm của mình nên không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn. Bà X. cũng yêu cầu HĐXX tạm hoãn phiên tòa để triệu tập một số nhân chứng nhằm làm rõ sự thỏa thuận miệng của bà với ông Toàn như bà đã trình bày.

 

Tòa buộc luật sư trả tiền cho thân chủ - ảnh 1


Ông Trần Thanh Toàn (phải) và em trai tại phiên xử.  Hợp đồng mà bà X. ghi thêm chữ “án treo” (ảnh nhỏ).  Ảnh: N.NAM

Tòa: Vi phạm nguyên tắc hành nghề luật sư

Theo HĐXX, ông Toàn trình bày có thỏa thuận về việc bà X. nhận bào chữa cho em trai ông để tòa án xử án treo là đúng sự thật. Bởi lẽ Điều 5 bản hợp đồng dịch vụ pháp lý được ký giữa ông Toàn và bà X. có ghi “hợp đồng chấm dứt khi thực hiện xong vụ việc theo điều 1 được giải quyết bằng văn bản pháp lý là bản án sơ thẩm án treo”. Bà X. nói phải ghi án treo để ông Toàn trấn an tinh thần cho mẹ của ông Toàn nhưng phía ông Toàn không thừa nhận.

Bà X. trình bày nhận trước 50 triệu đồng là để lo cho em trai ông Toàn tại ngoại, 30 triệu đồng nhận thêm là để bào chữa chứ không hứa kết quả án treo. Tuy nhiên, ngoài lời khai của bà X. thì không còn chứng cứ nào khác để chứng minh cho lời khai của bà nên tòa bác lời khai này.

Về yêu cầu hoãn phiên tòa để triệu tập nhân chứng như yêu cầu của bà X., từ ngày 8-4-2016, tòa đã yêu cầu bà cung cấp địa chỉ nhân chứng để triệu tập nhưng đến nay bà không làm nên tòa không chấp nhận yêu cầu này.

HĐXX kết luận việc bà X. thỏa thuận bào chữa cho em trai ông Toàn trong vụ án hình sự để tòa xử cho em trai ông Toàn được hưởng án treo với giá 120 triệu đồng đã vi phạm điểm 14.11 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam, vi phạm khoản 2 Điều 5 Luật LS. Hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa ông Toàn và bà X. đã vi phạm điều cấm của pháp luật, không thỏa mãn Điều 122 BLDS. Hợp đồng trên vô hiệu nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên và các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Do đó, bà X. phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền 80 triệu đồng đã nhận cho ông Toàn. Tuy nhiên, phía ông Toàn đồng ý trả chi phí đi lại cho bà X. là 12 triệu đồng. Đây là sự tự nguyện của nguyên đơn nên tòa ghi nhận.

Từ đó, HĐXX đã tuyên hợp đồng dịch vụ pháp lý vô hiệu và buộc bà X. phải trả lại cho ông Toàn 68 triệu đồng. Sau khi HĐXX tuyên án, bà X. cho biết sẽ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn biến mới.

Một số quy định liên quan

- Những việc LS không được làm trong quan hệ với khách hàng: Cam kết bảo đảm kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc để tính thù lao theo kết quả cam kết (điểm 14.11 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam).

- Nguyên tắc hành nghề LS: Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam (khoản 2 Điều 5 Luật LS).

- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 1 Điều 122 BLDS).

NHẪN NAM 
Trích nguồn: plo.vn



Các tin khác
Video Clip

Website liên kết