Chi tiết tin

Vì sao án “dây thun” vẫn tồn tại?

Ngày Đăng : 17/11/2016 - 7:36 AM

TTO - Ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) có vụ việc vợ một liệt sĩ đi đòi lại đất ròng rã suốt 31 năm. 

Từ xã, lên huyện rồi tỉnh đã qua hàng chục lần giải quyết đi giải quyết lại nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa ngã ngũ.

Hay như vụ việc xảy ra ở huyện Châu Thành (nay là Q.Cái Răng), tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ). Năm 1976, Đảng ủy và UBND xã Thường Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cấp cho hộ bà Nguyễn Thị Lý 2.500m2, hộ bà Dương Thị Lình 1.500m2, hộ ông Trương Văn Thoại 2.000m2.

Ngày 7-7-1986, ông Thoại làm giấy ủy quyền cho vợ chồng ông Trương Vĩnh Bảo 2.000m2 đất nói trên nhưng khi ông Bảo đăng ký quyền sử dụng đất lại đăng ký luôn cả 1.500m2 của bà Lình và 2.500mcủa hộ bà Lý.

Sau khi ông Bảo được UBND huyện Châu Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì con bà Lình là Huỳnh Thị Thép và Mai Thị Lý (cháu của bà Nguyễn Thị Lý) bắt đầu cuộc hành trình khiếu kiện của mình.

Trong quá trình giải quyết khiếu kiện của bà Thép và bà Lý, UBND huyện Châu Thành ban hành nhiều quyết định khác nhau, khi thì thu hồi giấy chứng nhận quyết định sử dụng đất của ông Bảo, khi thì không thu hồi quyết định đó làm vụ việc kéo dài đến 11 năm sau.

Ngày 6-5-2011, chủ tịch UBND Q.Cái Răng ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyết định sử dụng đất của ông Bảo.

Do không đồng ý với quyết định trên, ông Bảo khởi kiện vụ án hành chính qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đều hủy quyết định thu hồi đất của ông Bảo. Chấp hành phán quyết của tòa án, năm 2013 UBND Q.Cái Răng ban hành quyết định vẫn thu hồi đất của ông Bảo.

Ông Bảo lại tiếp tục khởi kiện hành chính đối với quyết định mới của UBND Q.Cái Răng. Năm 2014, cả hai cấp tòa án sơ thẩm và phúc thẩm lại tiếp tục hủy quyết định hành chính bị khởi kiện. Đến lúc này, đến lượt bà Thép và bà Lý tiếp tục đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm...

Từ những vụ việc điển hình trên cho thấy nguyên nhân của thực trạng này là do sự tắc trách của những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và do quy định của pháp luật.

Pháp luật về khiếu nại bao giờ cũng quy định rõ ràng về thời hạn, trình tự giải quyết khiếu nại và quy định rõ trách nhiệm, hình thức xử lý kỷ luật đối với người có hành vi không thực hiện đúng pháp luật trong công tác giải quyết khiếu nại của công dân nhưng hầu như chưa có ai bị xử lý về những vi phạm này nên tình trạng khiếu nại của công dân cứ bị kéo dài hơn... cả dây thun.

Đó là chưa kể trình tự giải quyết khiếu nại về đất đai trước đây phải theo quy trình hòa giải của cấp xã là thủ tục bắt buộc rồi đến giải quyết lần đầu của cấp huyện, giải quyết lần hai của cấp tỉnh và các lần tiếp theo thuộc về trách nhiệm các cơ quan cấp bộ...

Từ khi Luật tố tụng hành chính năm 2010 có hiệu lực thi hành thì trình tự giải quyết khiếu nại về đất đai được rút ngắn hơn nhưng khổ nỗi tòa án có thẩm quyền hủy bỏ các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của UBND khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, còn việc UBND ban hành quyết định khác thay thế quyết định đã bị tòa án hủy bỏ như thế nào là một câu chuyện khác.

Thấy được bất cập này, Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định trường hợp hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan thì tòa án có quyền kiến nghị cách thức xử lý đối với quyết định hành chính trái pháp luật đã bị hủy.

Tuy nhiên, giá trị pháp lý của kiến nghị này như thế nào cần phải đợi hướng dẫn của TAND tối cao.

NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM)

Trích nguồn: tuoitre.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết