Bộ Công an đang triển khai việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân. Việc xây dựng tài khoản định danh điện tử được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân khi thực hiện các giao dịch trên môi trường Internet.

Hiện nay, nhiều bạn đọc vẫn còn băn khoăn về định danh điện tử, danh tính điện tử là gì, tại sao có CCCD gắn chip rồi vẫn cần tài khoản định danh điện tử, liệu có gây lãng phí, phát sinh thêm thủ tục…?

Vì sao có CCCD gắn chip vẫn cần tài khoản định danh? - ảnh 1
Công an làm thủ tục cấp CCCD gắn chip cho người dân. Ảnh: TP

Ba lộ trình cấp tài khoản định danh điện tử

Theo Bộ Công an, danh tính điện tử của công dân Việt Nam gồm số định danh cá nhân (mã số trên CCCD); họ, tên đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; nơi đăng ký thường trú; ảnh chân dung và vân tay.

Tài khoản định danh điện tử bao gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân) và mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân). Tài khoản này đã được Bộ Công an xác thực thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo tính chính xác, duy nhất và không thể giả mạo.

Công an TP Hà Nội cho biết việc triển khai cấp tài khoản định danh điện tử được chia làm ba lộ trình.

Trong đó, giai đoạn 1 (từ ngày 25-2-2022 đến 31-3-2022), ngành công an bắt đầu cấp tài khoản định danh điện tử khi công dân đăng ký làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD (hệ thống và phần mềm đã sẵn sàng cho việc cấp tài khoản định danh điện tử cùng cấp CCCD).

Giai đoạn 2, từ ngày 1-4-2022 bắt đầu cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân đã có CCCD; từ ngày 1-5-2022 cấp tài khoản định danh điện tử cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Cục C06 sẽ hoàn thành việc xây dựng phần mềm phục vụ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân đã có CCCD, Cục A08 hoàn thành việc xây dựng phân hệ phần mềm cấp tài khoản định danh điện tử cho người nước ngoài, kết nối thành công với hệ thống định danh và xác thực điện tử của Cục C06.

Giai đoạn 3 (từ ngày 15-7-2022), bắt đầu triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho các tổ chức, doanh nghiệp khi nghị định về định danh và xác thực điện tử được ban hành và có hiệu lực.

Khi thực hiện các thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử, công dân cần chuẩn bị CCCD gắn chip còn thời gian hiệu lực. Trường hợp công dân mất CCCD gắn chip hoặc CCCD quá hạn thì có thể thực hiện thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử kèm cấp CCCD gắn chip tại cơ quan công an.

Vì sao vẫn cần tài khoản định danh điện tử?

Cũng theo Bộ Công an, hiện nay định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực vẫn chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân như CMND, CCCD hoặc hộ chiếu. Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng nhằm bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng.

 

Với tài khoản định danh điện tử, mỗi cá nhân sẽ có một định danh gốc, danh tính điện tử duy nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng, nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm…

Công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử), mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước. Khi sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin bằng tay như lâu nay. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai như trước nay đã làm.

“Công dân có thể thay thế CCCD vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...” - Bộ Công an cho hay.

Đáng chú ý, theo dự thảo nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, tài khoản định danh điện tử ở mức 2, sẽ có giá trị sử dụng như CCCD đối với người Việt Nam, hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế đối với người nước ngoài.

Ngoài ra, khi cá nhân hoặc tổ chức cung cấp danh tính điện tử theo tài khoản định danh điện tử mức độ 2, bên sử dụng danh tính điện tử (cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có yêu cầu sử dụng danh tính số) không được yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ khác để chứng minh thông tin cá nhân đã cung cấp.•

Cảnh báo lừa đảo việc xác thực tài khoản định danh

Sau một thời gian ngắn Bộ Công an triển khai cấp tài khoản định danh điện tử, đã xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới.

Theo đó, bằng chiêu trò “cấp hoặc xác thực tài khoản định danh điện tử”, các đối tượng tự xưng là công an, đọc chính xác tên, số định danh, ngày tháng năm sinh (dữ liệu này của nạn nhân đã bị lộ, lọt trên mạng do nhiều nguyên nhân) để yêu cầu nạn nhân đăng nhập website giả mạo, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP... Các đối tượng sẽ dùng những thông tin trên đăng nhập các ứng dụng ngân hàng online, MoMo, Zalo pay... của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản.

Công an khuyến cáo việc xác thực định danh điện tử chỉ thực hiện trực tiếp tại trụ sở và không yêu cầu công dân phải cung cấp thông tin gì qua điện thoại. Muốn cấp số định danh điện tử, người dân cần trực tiếp đến trụ sở cơ quan công an để tiến hành theo đúng quy trình.

Người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi “lạ” tự xưng cơ quan nhà nước, lực lượng công an mà cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản số, mã OTP...