Chi tiết tin

Vụ lừa tiền: Kẻ đi tù, người vô can

Ngày Đăng : 27/05/2016 - 7:37 AM
(PL)- Trong vụ án mạo danh cán bộ Sở Xây dựng để lừa đảo, bị cáo và các bị hại đều khai nhận có một đồng phạm giúp sức tích cực nhưng án sơ thẩm đã bỏ lọt tội.

Ngày 25-5, trong phiên xử phúc thẩm vụ Nguyễn Thị Yến phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND quận Thanh Khê, trả hồ sơ điều tra lại để làm rõ hành vi của Nguyễn Thế Hùng (ngụ Gia Lộc, Hải Dương) trong vụ án này.

Trước đó, ngày 5-3, TAND quận Thanh Khê đã xử phạt Yến chín năm tù. Sau đó, các bị hại trong vụ án kháng cáo vì cho rằng cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm.

“Nổ” chạy việc vào Sở Xây dựng

Theo hồ sơ, tháng 7-2012, Yến đến thuê nhà sinh sống tại số 06 phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Yến không có nghề nghiệp ổn định, không có khả năng, thẩm quyền xin việc và bố trí công việc cho người khác nhưng Yến lại “nổ” là đang làm kế toán trưởng tại Sở Xây dựng TP Đà Nẵng nên có thể “chạy” việc. Theo đó, Yến nhận tiền của người có nhu cầu xin việc rồi chiếm đoạt. Từ tháng 9-2013 đến tháng 12-2014, Yến đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Tháng 9-2013, Yến nói với chị Đỗ Thị Nữ (ngụ Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là Sở Xây dựng đang tuyển kế toán. Yến có thể giúp chị Nữ vào làm việc tại cơ quan này với chi phí “bôi trơn” là 40 triệu đồng. Yến hẹn đến tháng 12-2013 chị Nữ sẽ nhận được quyết định. Là sinh viên vừa tốt nghiệp ngành kế toán ra trường, chưa có việc làm nên chị Nữ tin tưởng giao hồ sơ và tiền cho Yến. Sau khi nhận tiền và hồ sơ, Yến không xin việc mà sử dụng vào mục đích cá nhân. Chị Nữ chờ đợi không có kết quả nên đã liên lạc, đòi lại tiền nhưng Yến hứa hẹn nhiều lần vẫn không chịu hoàn lại. Tháng 3-2015, chị Nữ nộp đơn tố cáo Yến.

Bị cáo Yến tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25-5. Ảnh: TT

Tương tự, năm 2013, anh Lê Minh Nghĩa (ngụ Đại Lộc, Quảng Nam) có thuê phòng trọ đối diện phòng trọ của Yến. Cũng với thủ đoạn cũ, Yến nói có khả năng xin cho anh Nghĩa vào làm việc tại phòng thiết kế của Sở Xây dựng với chi phí 150 triệu đồng. Nhận được số tiền này, Yến sử dụng tiêu xài cá nhân và vứt đống hồ sơ trong tủ. Sau đó, lấy cớ tiêu hụt tiền quỹ nên Yến hỏi mượn của anh Nghĩa thêm 62,5 triệu đồng.

Tổng cộng Yến đã chiếm đoạt hơn 444,5 triệu đồng của sáu người.

Riêng đối với Hùng (người mà các bị hại cho rằng đã cùng Yến lừa tiền họ), VKSND quận Thanh Khê cho rằng trong những lần Yến nhận tiền từ các bị hại có sự chứng kiến của Hùng. Tuy nhiên, Yến không nói rõ cho Hùng biết là Yến có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại, không bàn bạc với Hùng để lừa đảo những người bị hại. Hùng cũng không biết Yến trao đổi xin việc với các bị hại cụ thể như thế nào. Sau khi các bị hại tố cáo hành vi của Yến thì Yến mới cho Hùng biết việc lừa đảo của mình. Đồng thời ,Yến cho Hùng biết số tiền có được để tiêu xài là do Yến lừa đảo các bị hại mà có. Do đó, hành vi của Hùng chưa đủ yếu tố cấu thành tội không tố giác tội phạm.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị hại cho rằng cấp sơ thẩm xử lý như vậy là không xem xét đến lời khai của người bị hại. Cụ thể, Hùng đã nhiều lần trực tiếp nhận hồ sơ xin việc và tiền từ một số bị hại. Các bị hại khai Hùng còn nói với họ là đồng nghiệp của Yến tại Sở Xây dựng nên cứ yên tâm. Khi được nhận vào làm, họ sẽ được Hùng giúp đỡ thêm trong công việc.

Bị hại Nghĩa nói thêm, tất cả đơn từ cam kết (giữa Nghĩa và Yến) là do Hùng viết giúp. Ngoài ra, còn có một đoạn băng ghi âm thể hiện Yến và Hùng xin từ từ sẽ hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt. Tại tòa, Yến cũng thừa nhận là Hùng có giúp nhận hồ sơ và tiền của bị hại. Số tiền lừa được cả hai dùng để tiêu xài chung.

Tuy nhiên, tại phiên tòa Hùng phủ nhận toàn bộ lời khai của các bị hại và Yến. Hùng khai nhận khi vào thi công công trình cầu vượt ngã ba Huế thì nảy sinh tình cảm với Yến. Mặc dù đã có gia đình nhưng hai người thuê phòng trọ sống chung với nhau như vợ chồng. Yến nói với Hùng là đang làm kế toán tại Sở Xây dựng TP Đà Nẵng nên Hùng tin như vậy. Còn việc Yến đi lừa đảo người ta thì Hùng không biết.

Đại diện VKS cho rằng ở cấp sơ thẩm, Yến đã có hành vi giấu giếm, không khai báo hết sự việc nên cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm của Hùng. Đến khi ra phiên tòa phúc thẩm mới khai nhận hết các hành vi phạm tội của Hùng và lời khai này phù hợp với lời khai của những người bị hại khác trong vụ án. “Vậy nên cần phải xem xét lại hành vi đồng phạm của Hùng trong vụ án này” - VKS nêu quan điểm.

HĐXX cũng nhận định Hùng biết rõ việc Yến lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người khác nhưng không can ngăn mà còn giúp sức. Việc giúp sức này thể hiện qua việc động viên bị hại yên tâm tin tưởng vào Yến rồi ký cam kết sẽ hoàn trả tiền để khắc phục hậu quả... Sau cùng, HĐXX quyết định chấp thuận đề nghị của VKS là hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại nhằm tránh bỏ lọt tội.

Một người bị hại đi tù vì cấn nợ

Liên quan đến vụ án này, ngày 22-7-2015, TAND quận Thanh Khê đã tuyên phạt Hà Thị Thúy Hoa (ngụ Quảng Ngãi) chín tháng tù về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Hoa là người bị Yến lừa chạy xin việc để lấy 50 triệu đồng. Do bị Yến lừa nên Hoa cùng một số người khác thuê xe ra Đà Nẵng chở toàn bộ đồ đạc (trị giá khoảng 25 triệu đồng) ở nhà trọ của Yến để cấn nợ.

TẤN TÀI

Trích nguồn: plo.vn




Các tin khác
Video Clip

Website liên kết